Giảm tải chương trình và sách giáo khoa phổ thông

Thứ hai, 22/08/2011 12:26

 
 Ảnh minh họa. Nguồn: vtc.vn
(ĐCSVN)- Để từng bước thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra; căn cứ kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kỳ, ý kiến của các nhà chuyên môn và dư luận xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ thực hiện chủ trương giảm tải chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông. Ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết các nội dung kiến thức cần điều chỉnh, tinh giảm?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Nhóm thứ nhất là giảm tải những kiến thức được viết trong CT-SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như: Cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp (chủ yếu ở cấp THCS và THPT). Ví dụ: Bài 6: mục IV. Trạng thái của chất (trang 24 SGK Hóa học lớp 8 THCS) đã được học ở môn Vật lý THCS; Bài 11. Mục I: Những nhu cầu của cây trồng (trang 37 SGK Hóa học lớp 9 THCS) đã được học ở môn Sinh THCS…

Nhóm thứ hai là giảm tải những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng CT, SGK theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ: Mục I. Ôn tập hàm số bậc nhất và mục II. Hàm số hằng y = b của §2. Hàm số y = ax + b (Tr. 39-41), Chương II. Hàm số bậc nhất và bậc hai, Toán lớp 10 sẽ Không dạy vì HS đã học ở §2 §3 (tr 46-51), Chương II, Đại số lớp 9.

Nhóm thứ ba là giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: Ở bậc học Tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức; Ở môn Địa lý lớp 6 Bài 18. Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí, câu hỏi 2. Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa? Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với HS lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời.

Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thuỷ canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.

Nhóm thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Điều này rõ nhất ở môn Mĩ thuật cấp THCS. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để GV và HS thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.

Phóng viên: Vậy việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đã quán triệt các nguyên tắc nào?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Có 4 nguyên tắc trong việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đó là: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của CT, SGK theo qui định của Luật Giáo dục; Đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của CT, SGK; Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn; Không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học; Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục, cho việc giảng dạy của GV và học tập của HS.

Phóng viên: Vì sao năm nay Bộ GD-ĐT lại triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải một cách mạnh mẽ hơn?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Vấn đề quá tải có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: Thời gian dạy học ít nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em rất lớn; CT, SGK chúng ta viết tương đương trình độ các nước tiến tiến thế giới nhưng ở các nước đó học sinh đều học 2 buổi/ngày, số HS/lớp ít, số GV/HS thấp, trong khi điều kiện kinh tế xã hội nước ta mới chỉ đáp ứng một bộ phận không nhiều HS được học 2 buổi/ngày. Điều kiện trang thiết bị dạy học của chúng ta cũng chưa đầy đủ. Đội ngũ giáo viên tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn hạn chế nên việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiệu quả cũng không thể ngày một ngày hai có kết quả ngay được... Bên cạnh đó, do SGK là tài liệu cụ thể hóa các yêu cầu của CT, GV sử dụng trực tiếp để dạy, HS sử dụng để học, nên có tâm lí khá phổ biến là những vấn đề được viết trong SGK thì GV và HS cần phải được dạy và học hết, từ đó cũng tạo nên sự quá tải về nội dung dạy học.

Việc rà soát CT, SGK để nâng cao chất lượng dạy học đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là từ sau các đợt đánh giá chương trình và SGK năm 2005 và năm 2008. Trong năm học này, chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị và tập hợp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết của toàn ngành nên có thể thực hiện giảm tải một cách mạnh mẽ hơn bằng việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm.

Phóng viên:
Xin cảm ơn ông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực