Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 15/08/2011 10:59

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đặc biệt là các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Tại Vĩnh Long, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người Khmer, với gần 25.000 người, sống tập trung ở 11 xã thuộc 4 huyện Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh, Vũng Liêm. Trong đó các xã có đông người Khmer sinh sống là Tân Mỹ, Trà Côn (huyện Trà Ôn), Loan Mỹ (huyện Tam Bình), Đông Bình (huyện Bình Minh) và một số ấp ở huyện Vũng Liêm. Để nâng cao chất lượng giáo dục trong cộng đồng người dân tộc Khmer, những năm qua Vĩnh Long đã tập trung đầu tư kiên cố hóa các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) tại những địa phương có đông đồng bào dân tộc. Việc phát triển các trường ở tất cả các bậc học được chú trọng theo hướng xây dựng trường đạt trường chuẩn quốc gia. Riêng trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới tại xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình với quy mô rộng lớn gấp nhiều lần trước đây. Hiện nay, trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Long đang có 5 khối lớp (từ lớp 8 đến lớp 12) với gần 200 học sinh theo học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được sinh hoạt nội trú, được học tập cả tiếng Việt và tiếng Khmer, được chăm sóc sức khỏe…Các trường học trong vùng đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long thực hiện tốt nhiều hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như: phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; xây dựng trường có không gian xanh, sạch, đẹp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của cả vùng.

Năm học 2010-2011, ngành Giáo dục – Đào tạo Vĩnh Long chú trọng tổ chức các lớp học tiếng Khmer cho học sinh tiểu học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ giáo viên người dân tộc của tỉnh luôn được tập huấn, cập nhật về phương pháp giảng dạy tiếng dân tộc. Số giáo viên giỏi các cấp là người dân tộc ngày càng tăng. Ngoài ra, các nhà chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh đều tổ chức thêm các lớp dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc trong vùng. Chất lượng giáo dục cả 2 mặt hạnh kiểm và học lực của học sinh người Khmer trong tỉnh Vĩnh Long đều tăng so với năm học trước, trong đó tỷ lệ học sinh giỏi và khá các cấp đều tăng từ 1,6% đến trên 41% và tỷ lệ học sinh trung bình giảm, không còn học sinh yếu kém.

Đặc biệt, năm 2010, Vĩnh Long cử tuyển 20 học sinh tốt nghiệp THPT là con em đồng bào dân tộc đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các xã Hựu Thành, Trà Côn, Tân Mỹ của huyện Trà Ôn; xã Loan Mỹ của huyện Tam Bình, xã Trung Thành của huyện Vũng Liêm; xã Đông Thành, Đông Bình của huyện Bình Minh vào các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh; 21 học sinh học tại trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long. Năm 2011, Vĩnh Long tiếp tục xét cử tuyển 55 học sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; trong đó, có 35 chỉ tiêu được dành cho các ngành đào tạo thuộc Trường Trung cấp Y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ cho y tế tuyến cơ sở đang rất thiếu của tỉnh Vĩnh Long./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực