Trí thức kiều bào góp ý nâng chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng

Thứ sáu, 19/08/2011 16:37

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình học tập và giảng dạy tại Việt Nam và thế giới, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam là mục tiêu của Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng giai đoạn 2011 – 2015 tại TP. Hồ Chí Minh" do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và Câu lạc bộ Khoa học – Kỹ thuật Việt kiều tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 19/8. Hội nghị với sự tham dự của 60 đại biểu là các trí thức kiều bào, các giáo sư, tiến sĩ tâm huyết với ngành giáo dục Việt Nam.

Hầu hết các đại biểu cho rằng ngành giáo dục hiện nay đã mở rộng một cách đáng kể quy mô đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, kiều bào Ố-xtrây-ly-a, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, cho biết, mạng lưới các trường đại học và các viện nghiên cứu quá bất hợp lý từ nhiều năm nay, quy mô của nhiều trường, nhiều viện quá chênh lệch, đại bộ phận là các trường, các viện đơn ngành quy mô nhỏ. Các trường đại học được tổ chức còn cứng nhắc theo những chuyên ngành riêng rẽ quá hẹp, và đào tạo quá nhiều tiểu chuyên ngành hẹp. Vì thế, kiến thức trang bị không đủ rộng cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu và phát triển chuyên môn thêm về sau. Hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu và cũng thiếu các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ.

Tiến sĩ Khoa học Trần Hà Anh, kiều bào Pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa X cũng phân tích những thiếu sót của ngành giáo dục bậc đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong thời gian qua là do nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục đào tạo trong thời kỳ mới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp tháo gỡ tình trạng chất lượng giáo dục hiện nay là cần có những chính sách và biện pháp phù hợp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý xã hội và những khuynh hướng không lành mạnh như chạy theo thành tích, bằng cấp, trọng thầy khinh thợ, chạy theo hư vinh, coi thường thực chất. Bên cạnh đó, cần lên kế hoạch nâng cao trình độ và mở rộng kiến thức của giảng viên, giáo viên, hiện đại hóa phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực sáng tạo giữa thầy và trò. Đối với các trường đại học, cần đảm bảo sự tự chủ cho các trường, qua đó phát huy năng lực sáng tạo của các cấp cơ sở là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển chất lượng giáo dục, đào tạo./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực