Công tác quản lý biên giới: Điểm sáng hợp tác Việt Nam - Lào

Thứ ba, 06/12/2022 22:09
(ĐCSVN) - Nhân dịp Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về biên giới cho Trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trả lời phỏng vấn về tầm quan trọng của hội nghị; vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác biên giới Việt Nam - Lào thời gian tới.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ 

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về biên giới cho Trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về biên giới do Trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam-Lào là cơ hội rất quan trọng để chúng ta có thể tuyên truyền, phổ biến những chính sách và pháp luật liên quan biên giới cho già làng, trưởng bản, những người có uy tín tại các địa phương giáp biên giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Qua đó những già làng, trưởng bản và người dân nắm chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến biên giới sẽ làm tốt hơn công tác bảo vệ đường biên, mốc giới và tiếp tục củng cố đường biên giới Việt Nam - Lào là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Điểm thứ hai cũng rất quan trọng ở hội nghị lần đầu tiên lần này, đó là sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương, sự hiện diện của các già làng, trưởng bản. Nó thể hiện sự ghi nhận, đóng góp rất quan trọng của người dân nói chung cũng như các già làng, trưởng bản nói riêng trong công tác quản lý biên giới. Đây là một sự tri ân, động viên người dân cũng như các già làng, trưởng bản để họ tiếp tục làm tốt hơn công tác quản lý biên giới cùng với nỗ lực của các lực lượng chức năng hai bên.

Phóng viên: Thứ trưởng hãy định vị vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới biên giới Việt Nam và Lào?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Như chúng ta đã biết, biên giới giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.337 km đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào. Chính vì vậy, công tác quản lý biên giới trong thời gian vừa qua không chỉ có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng chức năng mà có sự đóng góp không nhỏ của người dân Việt Nam và Lào giáp biên.

Hội nghị hôm nay tập trung phổ biến pháp luật quy định cho già làng, trưởng bản là những người đóng góp rất quan trọng.

Thông qua các hoạt động sản xuất, lao động hàng ngày, người dân nói chung cũng như trưởng bản nói riêng nắm bắt được tình hình biên giới, những tác động đối với đường biên, mốc giới, cũng như các hoạt động vi phạm đường biên, mốc giới, xâm canh, xâm cư, các loại tội phạm biên giới. Qua đó họ nắm bắt, thông tin cho các lực lượng chức năng để từ đó có thể quản lý đường biên, mốc giới tốt hơn cũng như ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm ở trên đường biên giới.

Đây là đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào, chính vì vậy cần có sự phối hợp chung giữa người dân, cư dân giữa hai biên giới Việt Nam và Lào. Trong thời gian vừa qua, có thể nói chúng ta hết sức chủ động, các thôn, bản của 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 10 tỉnh biên giới của nước bạn Lào đã có mối quan hệ rất gắn bó, chặt chẽ.

Có hơn 100 cụm bản xây dựng mối quan hệ gắn kết, hệ hữu nghị giữa các cụm bản với nhau, kết nghĩa với nhau và từ đó không chỉ củng cố sự đoàn kết, hữu nghị, giao lưu giữa cư dân hai bên đường biên giới mà còn qua đó có sự gắn kết chặt chẽ hơn để cùng nhau quản lý đường biên, mốc giới và duy trì trật tự trị an ở trên đường biên giới giữa Việt Nam - Lào. Vai trò của người dân giữa hai bên biên giới giữa Việt Nam và Lào hết sức quan trọng trong công tác quản lý biên giới.

Phóng viên: Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Có thể nói, công tác quản lý biên giới thời gian vừa qua là một trong những điểm sáng trong sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào. Chúng ta đã có những thuận lợi rất quan trọng, chúng ta đã hoạch định xong đường biên giới, làm dày và tôn tạo đường biên giới giữa hai bên cũng như có những nhận định rất quan trọng.

Thời gian tới, định hướng công tác quản lý biên giới giữa chúng ta và Lào, chúng tôi cho rằng đầu tiên là phải làm tốt hơn công tác nâng cao nhận thức và tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác quản lý biên giới, góp phần tạo nền tảng, tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được làm và làm nhiều hơn, bài bản hơn.

Thứ hai, do đường biên giới giữa Việt Nam và Lào là đường biên giới dài nhất trong các tuyến biên giới trên bộ, vì vậy rất quan trọng. Chúng ta cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và người dân cũng như người dân giữa hai bên đường biên giới trong công tác quản lý đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm ở trên biên giới, các loại hình tội phạm mới, xuyên biên giới.

Ngoài ra chúng ta phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc củng cố đường biên, mốc giới, đây là khu vực chịu tác động rất nhiều bởi thiên nhiên, lũ lụt. Đường biên, mốc giới cần tiếp tục tôn tạo, củng cố và chống các sụt lở cũng như tác động hủy hoại đường biên, mốc giới, làm rõ đường biên giới của chúng ta với Lào thông qua cột mốc rất quan trọng.

Điểm thứ ba, chúng tôi cho rằng định hướng rất quan trọng có thể nói đến nay đã duy trì được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Tới đây nữa chúng ta cần phải làm cho đường biên giới của chúng ta trở thành đường biên giới phát triển, tạo thêm các xung lực cũng như các dư địa để phát triển mới.

Cái này chúng ta cần phải làm tốt hơn thông qua việc tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động trao đổi thương mại, hàng hóa, sản xuất giữa hai bên biên giới, đặc biệt là tập trung vào tiếp tục nâng cấp các cửa khẩu biên giới và đầu tư một cách bài bản; tập trung hơn nữa, nâng cao hơn nữa cơ sở hạ tầng biên giới, đặc biệt là hạ tầng, cửa khẩu rất là quan trọng, để từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản suất kinh doanh, trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên, qua đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố tình hữu nghị, đoàn kết cũng như có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh, quốc phòng ở hai nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực