Cuộc thi “Thông tin đối ngoại” là cách quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Chủ nhật, 05/12/2021 16:19
(ĐCSVN) – Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VII vừa qua có sự tham gia tích cực của các tác giả, đơn vị báo chí nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Nhân dịp này, phóng viên đã có buổi trò chuyện với ông Trofimchuk Grigori Pavlovich, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học Ý tưởng Á – Âu. Ông cũng là người vừa giành giải Nhất cuộc thi.

Phóng viên (PV): Xin chào Grigori,  cơ duyên nào đã kết nối ông với Việt Nam?

 Chuyên gia Trofimchuk: Vâng, trước hết, tất cả những người sống ở Liên Xô, bằng cách này hay cách khác, đều có sự gắn kết với Việt Nam, bởi vì với những lý do dễ hiểu và sâu sắc, đất nước xa xôi này gắn liền với nhận thức của mỗi người trong thời đại ngày nay, gắn liền với những gì đã xảy ra ở đó.

 Thứ hai, Việt Nam ngày nay đang trở thành một trong những nhân tố chính trong hợp tác của chúng tôi ở châu Á. Tuy nhiên, để quan hệ đối tác của hai nước phát triển hiệu quả nhất có thể trong kỷ nguyên mới, chứ không phải trên danh nghĩa, người Nga cần hiểu rõ một trong những đối tác chiến lược chính của mình ở khu vực này, một đất nước đang trở thành trung tâm chính trị và kinh tế.

 Vì vậy, với sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam, tôi đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt vòng quanh đất nước, từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội, qua Đà Nẵng và đến thành phố Hồ Chí Minh để có cái nhìn thực tế về đất nước và con người nơi đây.

 Ông Trofimchuk Grigori Pavlovich - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học
Ý tưởng Á – Âu

PV: Lý do khiến ông quyết định viết cuốn sách “Việt Nam cất cánh” là gì?

 Chuyên gia Trofimchuk: Tôi đã trả lời câu hỏi này ngay từ những trang đầu cuốn sách của tôi, trong phần giới thiệu. Có rất nhiều lý do và một trong số đó, tôi sẽ nhấn mạnh lại điều này: đó là kể lại một câu chuyện giản dị, dễ hiểu cho người Nga và thực sự là cho tất cả những ai biết tiếng Nga, kể cả người dân các nước cộng hòa hậu Xô Viết. Một đất nước có nền tảng lịch sử và tư tưởng vô cùng vững chắc, mà người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách có một chương đặc biệt dành cho câu chuyện riêng về chuyến thăm của tôi đến các khu tưởng niệm gắn liền với tên tuổi của danh nhân vĩ đại được yêu mến ở Nga này.

 Việt Nam không chỉ là những chiến tranh liên miên, mệt mỏi, như nhiều người vẫn cứ tưởng trong thời của Liên Xô cũ. Việt Nam ngày nay là một trong những “đầu tàu” kinh tế của Đông Nam Á.

 Vì vậy, tiêu đề của cuốn sách “Việt Nam cất cánh”, theo tôi, là một trong những biểu tượng tốt nhất cho những gì tôi muốn nói đến. Việt Nam, đất nước đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong thế kỷ qua, đang ở bước đầu của một giai đoạn phát triển mới, và với tư cách là một chuyên gia, tôi muốn tìm hiểu cách hành động để đạt được tất cả các mục tiêu chính, đồng thời duy trì hòa bình và sự ổn định.

 Và tất nhiên, mối quan tâm chính đối với tôi là chính những người sống và làm việc tại đất nước Việt Nam. Và đặc biệt - những đứa trẻ, những người Việt Nam nhỏ bé, những người mà tôi dành nhiều sự quan tâm trên các trang sách, kể cả việc chụp những bức ảnh đặc biệt về những công dân này.

Cuốn sách bằng tiếng Nga có tựa đề “Việt Nam cất cánh”

 

PV: Hãy kể cho chúng tôi nghe một chút về cuốn sách của ông, những kỷ niệm nào được viết trong cuốn sách mà ông thích nhất?

 Chuyên gia Trofimchuk: Sách gồm một số chương, mỗi chương kể về đất nước từ các khía cạnh cụ thể: tư tưởng, chính trị, văn hóa, con người, kinh tế, lịch sử, y học, giáo dục,... Tôi thậm chí còn đưa vào các lĩnh vực như âm nhạc và thời trang Việt Nam hiện đại, vì hầu như không ai ở Nga biết về lĩnh vực này trong đời sống người Việt.

Ví dụ, người Việt nghe nhạc Nga nhiều hơn nhiều so với việc người Nga biết về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự mất cân bằng này cần phải được điều chỉnh ngay và đó là điều tôi đang làm.

 Với tư cách là một tác giả, tôi đã không bỏ qua những vấn đề chính trị quan trọng như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Để làm điều này, tôi thậm chí đã đến thăm các triển lãm lịch sử đặc biệt trong các bảo tàng, cũng như Bảo tàng Quần đảo Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Và không chỉ đến thăm mà còn đưa ra một loạt ý kiến chuyên gia giúp giảm căng thẳng xung quanh vấn đề này.

 PV: Ông là một nhà nghiên cứu Việt Nam nổi tiếng, liệu trong tương lai sẽ có nhiều cuốn sách về Việt Nam nữa không?

 Chuyên gia Trofimchuk: Gần đây tôi đã đăng rất nhiều bài báo về Việt Nam, các bài phỏng vấn về chủ đề quan hệ Việt-Nga, cũng như vị trí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong chính trị và kinh tế toàn cầu. Các tác phẩm của tôi về chủ đề Việt Nam sẽ được xuất bản trong tương lai, vì Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng hơn nữa trong các sự kiện thế giới.

 PV: Ông vừa đoạt giải Nhất giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VII, ông nghĩ gì về vai trò của truyền thông đối ngoại trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài? Ở Nga, chắc ông cũng quảng bá hình ảnh nước Nga qua các phương tiện truyền thông phải không?

 Chuyên gia Trofimchuk: Điều quan trọng đối với mỗi quốc gia là làm thế nào để quốc gia đó được nhìn nhận ở thế giới bên ngoài, bởi vì chính sự thể hiện này, suy cho cùng, điều hướng cái nhìn của hàng trăm triệu người về đất nước. Đương nhiên, tôi chủ yếu quan tâm đến các vấn đề của Nga. Nhưng mục tiêu là giống nhau: thúc đẩy hòa bình và ổn định trong tất cả các tiến trình trọng tâm. Tôi đặc biệt quan tâm đến các khu vực có vấn đề xung đột hoặc thậm chí chiến tranh có thể xảy ra. Và ở mọi nơi, tôi cố gắng đưa ra các ý kiến cụ thể để giải quyết vấn đề và giảm bớt căng thẳng.

 Giải thưởng Thông tin đối ngoại Việt Nam là cuộc thi sáng tạo quan trọng đối với chính Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới. Cuộc thi sáng tạo này không chỉ tìm ra những người viết hay nhất về Việt Nam mà còn hình thành phong cách bộc lộ bản sắc của đất nước xinh đẹp này, vì khi có một phong cách riêng, sẽ không bị tụt hậu so với thời đại. Thực sự là không có cách nào tốt hơn để phổ biến về đất nước cũng như không phải ở đâu cũng có cuộc thi gắn kết mọi người trên thế giới độc đáo như thế này.

 PV: Xin cảm ơn ông rất nhiều về buổi trò chuyện và xin chúc mừng ông một lần nữa vì đã giành giải cao! Chúc ông nhiều sức khoẻ và thành công trong cuộc sống!

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức lần đầu tiên năm 2014 nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại gồm: Báo in; báo điện tử; trang thông tin điển tử; phát thanh; truyền hình; ảnh (gồm ảnh báo chí và ảnh phong cảnh); sách; video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

Giải thưởng năm nay thu hút tổng số 1.053 tác phẩm, sản phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 15 ngôn ngữ. Điểm nổi bật của Giải thưởng lần VII là sự tham gia của 32 tác giả, đơn vị báo chí nước ngoài, 14 tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài và 14 Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Nội dung các tác phẩm không chỉ bám sát, đề cập mọi vấn đề nổi bật của năm 2020 - 2021 như Đại hội lần thứ XIII của Đảng; vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn song phương, đa phương; quan hệ đối ngoại Việt Nam với các nước mà còn phản ánh nhiều vấn đề thu hút được sự quan tâm của công chúng như tinh thần dân tộc trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.

Hội đồng chung khảo đã quyết định trao giải cho 102 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: 1 giải Đặc biệt, 10 giải Nhất, 19 giải Nhì, 29 giải Ba và 43 giải Khuyến khích.
Nguyễn Phan Hương Xuân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực