Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - một năm nhìn lại

Thứ hai, 04/01/2010 11:08

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó thể hiện qua số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2009 đạt 21,48 tỷ USD với 1.504 dự án FDI cả cấp mới và tăng vốn. Mặc dù số thu hút vốn FDI chỉ đạt bằng 1/3 năm 2008 song lượng vốn FDI giải ngân đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

 


 Bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm nhiều nhất
của các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: Nguồn Internet)

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2009, Việt Nam đã thu hút được 839 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 16,345 tỷ USD, bằng 24,6% so với cùng kỳ năm 2008. Cùng trong năm này, đã có 215 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 5,137 tỷ USD, bằng 98,3% so với con số tương ứng của năm ngoái. Năm 2009, lượng vốn FDI giải ngân đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2008 giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD).


Năm qua, đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD; Cayman Islands đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD; đứng thứ 3 là Samoa với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 1,66 tỷ USD vốn đăng ký... Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn FDI lớn nhất trong năm 2009, với 6,73 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai và Phú Yên với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 4,1 tỷ USD; 2,5 tỷ USD; 2,36 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.

 

Trong ba lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn FDI, dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng) vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong đó, có 32 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 4,9 tỷ USD và 8 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo với số vốn đăng ký đạt 2,97 tỷ USD, trong đó có 2,2 tỷ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm.

 

FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh trong năm 2009 đã góp phần cải thiện hình ảnh hạ tầng Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, sự gia tăng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều vấn đề đáng bàn vì đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hiện tượng giá bất động sản ở Việt Nam giá tăng mạnh nên Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và quy hoạch rõ ràng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực này.

 

 
 Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất trong năm qua
(Ảnh: Nguồn Internet)

Trong số 10 dự án FDI lớn nhất năm 2009 với tổng số vốn đăng ký khoảng 12,7 tỷ USD thì có đến 6 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, 2 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch, 1 dự án công nghiệp chế biến và 1 dự án khai khoáng. Phần lớn các dự án đầu đăng ký đầu tư vào các địa bàn phía Nam, Nam Trung bộ và Trung bộ trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 dự án; Đồng Nai 2 dự án; các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên và Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh mỗi nơi có một dự án.
Thứ tự 10 dự án với số vốn đăng ký lớn nhất trong năm 2009 cụ thể như sau:
1. Dự án khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng do hai Công ty TANO Capital, LLC và Global C&D, INC (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư với số vốn đăng ký 4,15 tỷ USD được xây dựng trên diện tích 400 ha tại xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam);
2. Dự án thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya do Công ty Berjaya Land Berhad’s, Công ty con của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư với tổng vốn 2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 600 ha tại Trung tâm thành phố Nhơn Trạch;
3. Dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Phú Thăng Long, liên doanh của Smart Dragon Development LTD (Samoa) và Tuster Development ( Seychelles làm chủ đầu tư với số vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 29 ha tại xã Thới Hòa (huyện Bến Cát);
4. Dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa do Công ty TNHH một thành viên Gaileo Investment Group (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư với số đăng ký 1,68 tỷ USD;
5. Dự án Nhà máy Thép do Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam, liên doanh của Tập đoàn China Steel (Đài Loan), Sumitomo Metal Industries và Sumitomo Corporation ( Nhật Bản) làm chủ đầu tư với số vốn đăng ký 1,148 tỷ USD tại khu công nghiệp Mỹ Xuân 2 (Bà Rịa – Vũng Tàu);
6. Dự án khu đô thị mới Tóc Tiên do Công ty TNHH Phát triển đô thị Charm ( Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với số vốn đăng ký 600 triệu USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu;
7. Dự án đầu tư xây dựng vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu – Việt Nam ( Hồng Kông) làm chủ đầu tư với số vốn 500 triệu USD;
8. Hợp đồng về khảo sát địa chất và khai thác dầu khô các lô số từ 129 đến 132 do Công ty Gazprom – Zarubejneftegaz (Liên bang Nga) làm chủ đầu tư với số vốn 328,2 triệu USD;
9. Dự án khu phức hợp 9A2 ( khu đô thị mới Nam TP. Hồ Chí Minh) do Công ty TNHH Việt Liên LUKS ( British Virgin Islands) làm chủ đầu tư, vốn đăng ký trên 294 triệu USD;
10. Dự án khu đô thị Phú Hội (Nhơn Trạch, Đồng Nai) do Công ty TNHH khu đô thị Phú Hội, liên doanh của Công ty Cổ phần Licogi 16 ( góp 70 % vốn bằng quyền sử dụng đất) và Vinaland Eastern Limited (22,5%), Vinaland Heritage Limited (7,5%) làm chủ đầu tư, vốn đăng ký của dự án là 205,7 triệu USD.

 

Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) đạt 29,9 tỷ USD, bằng 86,6 % so với năm 2008 và chiếm 52,7 % tổng xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp này giảm có nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu dầu thô không được giá. Nếu không tính dầu thô, khu vực doanh nghiệp này xuất khẩu 23,6 tỷ USD, chiếm 41,7 % tổng xuất khẩu và bằng 98 % so với năm 2008. Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2009 chỉ đạt 24,8 tỷ USD, bằng 89,2 % so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước, tương đương xuất siêu 5,03 tỷ USD. Nếu không kể dầu thô, khối này nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Để tranh thủ cơ hội đầu tư cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn cũng là những lĩnh vực được ưu tiên kêu gọi đầu tư./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực