Đầu tư ra nước ngoài - xu hướng mới của các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ hai, 04/01/2010 16:59

(ĐCSVN)Năm 2009, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vượt xa con số dự báo. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để xâm nhập và mở rộng thị trường đầu tư ra nhiều quốc gia trên thế giới.


 Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng là xu hướng đầu tư ra nước ngoài
của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới
(ảnh: Nguồn Internet)


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đạt 7,2 tỷ USD với 457 dự án, tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bằng hơn 143% kế hoạch và bằng 214% cả quá trình đầu tư ra nước ngoài từ năm 1989 đến năm 2008 Cũng trong năm 2009, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ quy mô đầu tư nhỏ vào các ngành nghề đơn giản sang các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao và trải đều ở tất cả các châu lục. Điểm đến cho đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không chỉ là các thị trường quen thuộc mà còn mở sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… phần lớn các doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã triển khai thực hiện dự án, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có hiệu quả, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại Lào, Campuchia, Mỹ, châu Phi.

Lào, Campuchia, Nga, Malaysia, Angieria… vẫn là điểm đến đầu tư thu hút các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư các lĩnh vực khai khoáng, trồng rừng, thủy điện, viễn thông, xây dựng hạ tầng,.. Tại các quốc gia này, gần đây các doanh nghiệp Việt Nam còn hướng đến các lĩnh vực như hàng không, ngân hàng, bảo hiểm…Trong đó phải kể đến một số dự án có số vốn đăng ký lớn như: Hợp đồng liên doanh thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia (Cambodia Angkor Air -CAA) vừa được ký kết giữa Vietnam Airlines (VNA) và các đối tác Campuchia vào cuối tháng 7-2009 tại Phnom Penh có vốn đầu tư lên đến 100 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ Campuchia góp 51% vốn, VNA góp 49% vốn; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức công bố sự hiện diện thương mại đầu tư của mình với việc hình thành các pháp nhân mới tại xứ sở chùa Tháp này; Hai dự án thủy điện mà Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn (SGI) đầu tư là Nậm Ngum 4, công suất 200 MW và Nậm Sum (Lào) công suất 280 MW có tổng đầu tư 800 triệu USD Mỹ; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê; nhà máy chế biến gỗ, trồng cây cao su; xây thủy điện, dự án mỏ sắt và đồng… tại Lào với tổng vốn đầu tư lên đến 260 triệu USD Mỹ…

Phân bổ đầu tư ra nước ngoài đang có sự chuyển dịch và thay đổi. Trước đây, nước bạn Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam thì sang năm 2010, Việt Nam đầu tư sang Campuchia nhiều nhất, với việc doanh nghiệp 2 nước ký thoả thuận hợp tác với tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia diễn ra ngày 26/12 tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã mở chi nhánh tại các nước có dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư tại nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, thế mạnh của Việt Nam là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng cao su, khai thác khoáng sản, sản xuất chế biến hàng gia dụng, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, để tận dụng những thế mạnh đó, cần có môi trường pháp lý thông thoáng, có cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, bởi hiện nay các cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang còn nhiều bất cập, chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp. Vì vậy, cần tạo môi trường bằng cách rút ngắn thời gian, quy trình thẩm định cấp phép đầu tư; mở rộng đối tượng, cho phép tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư ra nước ngoài. Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, chúng ta cần có các quy định cụ thể, một đầu mối trong việc cấp phép đầu tư, chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp có dự án đầu tư ở nước ngoài sử dụng lao động và nguồn nguyên vật liệu đưa từ trong nước ra.


 Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng
(Ảnh: Nguồn Internet)


Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, sự tăng trưởng nhanh chóng của các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2009 là sự phát triển khách quan, phù hợp với sự phát triển kinh tế trong nước cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ông Thắng cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới cũng như tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. 

Mặc dù, trong năm qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh kể cả về số lượng dự án cũng như vốn đăng ký song để các dự án đầu tư ra nước ngoài hoạt động có hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với các doanh nghiệp ý định mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ra nước ngoài, cụ thể như: Các doanh nghiệp cần lập được dự án có tính khả thi cao, đảm bảo tính toán, cân đối hợp lý khả năng tài chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu thị trường, chính sách pháp luật, tập quán, thói quen tiêu dung, các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ chính sách thuế, phí, thanh toán tiền tệ, tập quán và thói quen tiêu dùng, các quy định xuất nhập khẩu ở nước sở tại, tránh dính dáng đến tranh chấp, kiện tụng ở các thị trường nước ngoài./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực