Ngày làm việc thứ 2 APF 6: Kiến nghị về một số vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng ASEAN

Chủ nhật, 26/09/2010 15:09

(ĐCSVN) Trao đổi và đưa ra các kiến nghị nhằm góp ý cho Chính phủ các nước ASEAN trong quá trình đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sắp tới; đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ quyền trẻ em trong khu vực; những khuyến nghị đối với công tác phát triển nông nghiệp bền vững; kêu gọi sự tham gia của các nước giàu và các nước phát triển trong việc hỗ trợ giải quyết ứng phó với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, là nội dung chính của 4 cuộc hội thảo diễn ra trong sáng ngày 25/9.

Hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do ASEAN và hội nhập khu vực: Quan điểm và giải pháp thay thế của nhân dân”

 

Hội thảo " Các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và hội nhập khu vưc:
Quan điểm và giải pháp thay thể của nhân dân
" (Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)


Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là một chính sách chính của các nước ASEAN nhằm phát triển kinh tế, thương mại và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ASEAN với các nước cũng như giữa các nước ASEAN với nhau. Việc ký kết một loạt những Hiệp định thương mại tự do FTA giữa ASEAN với các nước đối tác đã góp phần thúc đẩy kinh tế các nước ASEAN cũng như đưa ASEAN trở thành trung tâm phát triển kinh tế của khu vực. Ngoài những mặt tích cực, các FTA nói trên cũng đang đặt ra những hệ lụy tiêu cực như: thâm hụt thương mại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề môi trường và các vấn đề xã hội... mà các nước ASEAN cần phải giải quyết trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Các đại biểu đều bày tỏ mối quan tâm chung về việc cần làm hài hòa các mục tiêu FTA với các mục tiêu của hội nhập và hợp tác khu vực. Các đại biểu đã thống nhất cần gia tăng các nỗ lực hợp tác và điều phối giữa các tổ chức nhân dân khu vực, cũng như các mạng lưới chiến dịch trong giải quyết các vấn đề chung và đề xuất kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường các hoạt động thương mại và hội nhập ASEAN.

Các diễn giả và đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã trao đổi về các kinh nghiệm và đưa ra các kiến nghị nhằm góp ý cho các Chính phủ trong quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định FTA sắp tới, nhằm khắc phục tác động tiêu cực, đảm bảo sự phát triển kinh tế ASEAN cũng như đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ, trẻ em…

Hội thảo “Thực hiện quyền trẻ em – Hướng tới cộng đồng ASEAN quan tâm, chia sẻ và bền vững”

 

Nhiều ý kiến được đưa ra nhằm tìm ra phương cách tốt nhất để bảo vệ và
thực hiện quyền trẻ em tại các nước ASEAN
(Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)


Phát triển kinh tế của các nước ASEAN trong những năm qua đã giúp cho nhiều người dân ASEAN, trong đó có trẻ em thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Các nước ASEAN cũng đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp quốc, gần đây nhất đã thành lập Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC). Tuy nhiên, trẻ em tại các nước ASEAN vẫn phải đối mặt với những vấn nạn như: buôn bán trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em, thất học, chất lượng cuộc sống thấp, bệnh tật…

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã trao đổi sôi nổi về hai chủ đề chính, đó là những thách thức chủ yếu liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em và các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền trẻ em trong khu vực, giữa các tổ chức này với chính phủ các nước ASEAN và với ACWC nhằm tìm ra những phương cách tốt nhất để bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em tại các nước ASEAN.

Hội thảo “Nông dân, nông nghiệp và phát triển nông thôn”

 

Nhiều phương thức đảm bảo quyền lợi của nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo
đã được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo
(Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)


Mặc dù là một ngành quan trọng với các nước ASEAN và đạt được không ít thành công trong thời gian qua, nhưng nông nghiệp ASEAN vẫn đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, trong đó có những tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập kinh tế, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Các vấn đề được các đại biểu tại hội thảo đặc biệt quan tâm liên quan đến những thách thức và khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Các đại biểu đã nghe các tham luận và trao đổi về các vấn đề như: phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp…; đưa ra khuyến nghị đối với công tác phát triển nông nghiệp bền vững, các biện pháp như tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, và các phương thức đảm bảo quyền lợi của nông dân đặc biệt là nông dân nghèo.

Hội thảo “Biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai – Tìm kiếm giải pháp công bằng và bền vững”

 

"Biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai- Tìm kiếm giải pháp công bằng và
 bền vững" là Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu
 (Ảnh: Nguồn LHCTCHNVN)


Là nơi cận kề với nhiều thảm họa thiên nhiên nhất, ước tính châu Á chiếm khoảng 40% thiên tai trên thế giới và 60% tổng thiệt hại liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Các tổ chức nhân dân thuộc các nước ASEAN đã có các hoạt động tích cực ở nhiều vùng khác nhau nhằm làm giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các bộ máy ứng phó với biến đổi khí hậu của ASEAN vẫn còn thiếu các cơ chế tư vấn cần thiết và quá trình thu hút người dân.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã nhất trí chia sẻ những nỗ lực bắt đầu từ Diễn đàn nhân dân 2009 tại Thái Lan về kêu gọi một trụ cột ASEAN tư vấn về môi trường; thành lập Nhóm Công tác về môi trường để nghiên cứu và xem xét các sáng kiến liên quan tới giải quyết biến đổi khí hậu tại khu vực ASEAN. Các đại biểu đã nêu kiến nghị Chính phủ các nước trong khu vực tìm nguồn hỗ trợ cho các hoạt động về môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trong khu vực. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc kêu gọi sự tham gia của các nước giàu và các nước phát triển trong việc hỗ trợ giải quyết và ứng phó với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra và các vấn đề về môi trường khác./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực