Quan hệ Việt Nam – Cô-oét: 45 năm xây dựng và phát triển

Thứ bảy, 09/01/2021 21:07
(ĐCSVN)- Chúng tôi luôn ghi nhớ và đánh giá cao việc Cô-oét là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời luôn đi tiên phong trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, 

Ngày 10/01/2021, Việt Nam và Cô-oét vui mừng kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (10/01/1976 - 10/01/2021), một mốc son trong quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Trong suốt 45 năm qua, quan hệ Việt Nam – Cô-oét đã không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ và dày công vun đắp.

Chúng tôi luôn ghi nhớ và đánh giá cao việc Cô-oét là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời luôn đi tiên phong trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. 

Chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2007 của Thủ tướng Cô-oét Sheikh Nasser Al-Mohammed Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã tạo đột phá quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Đây cũng đồng thời là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao vùng Vịnh. Với quyết tâm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, chỉ trong vòng 3 tháng sau chuyến thăm, Cô-oét đã mở cùng lúc Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tại Việt Nam. Về phần mình, trong chuyến thăm Cô-oét tháng 3/2009, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia vùng Vịnh, trong đó Cô-oét đang trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.   

Nối tiếp đà thành công, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cô-oét Sheikh Jaber Al-Mubarak Al-Hamad Al-Sabah tháng 5/2016 đã đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước vào giai đoạn phát triển mới. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác như Thỏa thuận hợp tác văn hóa-nghệ thuật, Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao, Thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Quốc tế Cô-oét (KPI). Hoạt động trao đổi đoàn các cấp diễn ra sôi nổi, trong đó có các đoàn: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Cô-oét Ali Suleiman Al-Saeed (3/2018), Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm Điện và Nước Cô-oét Khaled Ali Al-Fadhel (4/2019 và 9/2019) thăm Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (4/2018); Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong (10/2018); Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (7/2019)… thăm Cô-oét. Tiếp sau Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa đã trở thành địa phương thứ hai của Việt Nam thiết lập quan hệ kết nghĩa với một địa phương Cô-oét vào tháng 4/2018. Cô-oét cũng là một trong số 192 quốc gia đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.  

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế cũng có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Cô-oét hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch song phương năm 2019 đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20 lần so với năm 2016. Trong lĩnh vực đầu tư, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, liên doanh giữa Việt Nam – Nhật Bản – Cô-oét trị giá 9 tỷ USD, trong đó Cô-oét tham gia 35,1%, đi vào hoạt động cuối năm 2018 là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Dự án đã  góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam và cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất trong nước. Trong giai đoạn 2017-2019, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Cô-oét tăng trên 8 lần, từ 161 người lên gần 1.300 người; số lượng khách du lịch Cô-oét đến Việt Nam tăng gần hai lần.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Cô-oét là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên, liên tục cung cấp vốn ODA ưu đãi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng xa, vùng sâu của Việt Nam. Công trình thủy lợi Dầu Tiếng, dự án đầu tiên được Quỹ Cô-oét phát triển kinh tế Ả-rập cấp vốn ODA năm 1979 hiện vẫn đang vận hành, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến nay, Quỹ Cô-oét đã dành cho Việt Nam hơn 182 triệu USD vốn vay ưu đãi để triển khai 15 dự án phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân Việt Nam tại những khu vực còn nhiều khó khăn. Cô-oét cũng là một trong những quốc gia Ả-rập đầu tiên và liên tục cấp học bổng học tiếng Ả-rập cho sinh viên Việt Nam. Đến nay, hàng chục sinh viên Việt Nam đã và đang được tiếp cận nguồn học bổng này. Với vốn hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Ả-rập, đây sẽ là những cầu nối giúp duy trì và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Cô-oét nói riêng và nhân dân các quốc gia Ả-rập nói chung. Những sự giúp đỡ quý báu này của Chính phủ và nhân dân Cô-oét đã, đang và sẽ luôn được nhân dân Việt Nam ghi nhớ và trân trọng. 

Năm 2020, trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cô-oét lại một lần nữa được thể hiện một cách rõ nét. Ngày 12/6/2020, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã điện đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19. Việt Nam đã trao tặng Cô-oét khẩu trang y tế, góp phần nhỏ bé cùng nhân dân Cô-oét anh em phòng chống đại dịch. Chính phủ và nhân dân Cô-oét cũng tích cực hỗ trợ người lao động Việt Nam gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương, đoàn tụ với gia đình. Sự hỗ trợ mà Chính phủ và nhân dân hai nước dành cho nhau trong thời khắc khó khăn đã thể hiện sinh động tinh thần của câu ngạn ngữ Ả-rập “Tình yêu thương con người là tài sản quý‎ giá nhất”.

Điểm lại những dấu mốc trong quan hệ hai nước trong hơn bốn thập kỷ qua, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vững chắc rằng với bề dày quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống được thử thách qua thời gian, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân hai nước, với các nguồn lực dồi dào có thể bổ sung cho nhau, quan hệ Việt Nam - Cô-oét trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển tích cực vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới./.

                                                                                       

 
Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực