Quảng Trị: Đẩy mạnh hợp tác phát triển toàn diện với các tỉnh bạn Lào

Thứ bảy, 03/12/2022 12:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2022 được chọn là Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cùng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc của Lào đã tăng cường tiếp xúc, trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, an ninh - quốc phòng và đối ngoại; duy trì hội đàm biên giới thường niên.

Thúc đẩy phát triển thương mại biên giới hai tỉnh Quảng Trị - Sa La Van (Lào)

 Hội đàm công tác biên giới giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Salavan.
Quảng Trị là địa phương đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả và ý nghĩa để thúc đẩy sự phát triển và thắt chặt mối quan hệ Việt – Lào. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Quảng Trị là tỉnh có vị thế đặc biệt trong hợp tác kinh tế với Lào, năm 2022 là năm có nhiều ý nghĩa kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào. Quảng Trị đã có những hoạt động nổi bật gì với các tỉnh bạn Lào trong năm nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng: Cùng chung đường biên giới và có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và truyền thống văn hóa, Nhân dân tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh biên giới Savannakhet, Salavan có mối quan hệ thân thiết, gắn bó trong lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa, thăm viếng lẫn nhau. Trong những năm qua, và đặc biệt năm 2022 được hai nước Việt Nam - Lào lựa chọn là Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào với chuỗi các hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đi thăm và làm việc chính thức tại các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak... 

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cùng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc của các tỉnh bạn Lào tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tháng 2/2022, sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao đi thăm và làm việc chính thức tại các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak... Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đi thăm và làm việc chính thức tại các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak... Tháng 9/2022, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ 5. Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt của cả hai Đảng, hai nước Việt Nam và Lào; là sự tiếp nối, là hành động cụ thể nhằm biến chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, 45 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các hoạt động sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với nhiều hoạt động phong phú và tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi dọc hai bên biên giới; tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng – Quảng Trị 2022 với sự tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp, gian hàng đến từ các tỉnh bạn Lào; các Trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có sinh viên Lào tham gia học tập cũng đã tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giữa sinh viên Lào và Việt Nam. Cùng với đó, các lực lượng chức năng quản lý biên giới của hai bên cũng đã tổ chức các chương trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh Savannakhet, Salavan....

PV: Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều sáng kiến để tăng cường thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với tỉnh bạn Lào, trong đó có thể kể đến mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới. Đồng chí có thể cho biết những nét khái quát về thành quả đạt được sau 15 năm thực hiện mô hình này?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng: Quảng Trị có đường biên giới đất liền dài, khu vực biên giới đất liền có 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông gồm 16 xã, 1 thị trấn, 114 thôn, bản, khu phố (62 thôn, bản giáp biên giới). Tỉnh Quảng Trị là địa phương đầu tiên có sáng kiến và triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới với mong muốn tiếp tục nâng cao và phát huy mối quan hệ giữa Nhân dân hai bên biên giới và ngày 2/8/2005, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đề án "Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới" và đề tài khoa học "Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị - Việt Nam với hai tỉnh Salavan và Savannakhet - Lào”.

Qua sơ kết đánh giá kết quả 15 năm thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới của 9 cặp bản đạt được những kết quả như sau: Một là, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; phát huy sức mạnh quần chúng trong quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bĩnh, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Hai là, thông qua hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc sống hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, việc chấp hành các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào tránh tình trạng xâm canh; các quy định của pháp luật của mỗi nước về lấy vợ, lấy chồng hai bên biên giới; tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân, giao lưu của nhân dân hai bên biên giới góp phần củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Ba là, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Hàng năm tỉnh Quảng Trị sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng một số dự án như: Trường học, trạm xá, cung cấp cây con giống và tiến hành một số dự án điều tra nông nghiệp vùng biên giới, giúp hai tỉnh Savanakhet và Salavan khảo sát các dự án trồng rừng, cây công nghiệp như cà phê, sắn nguyên liệu, cao su, hồ tiêu và một số dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bốn là, các bên cũng thường tổ chức các đoàn sang tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng ở cơ sở, do đó tổ chức đảng, chính quyền các tổ chức đoàn thể quần chúng hai bên từng bước được củng cố, kiện toàn đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại biên giới, đối ngoại nhân dân được tăng cường và mở rộng cả về hình thức và nội dung, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc hai bên biên giới.

PV: Được biết, ngày 1/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 626-QĐ/TU thành lập tổ công tác của tỉnh Quảng Trị phối hợp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội đặc thù (gọi tắt là Tổ công tác 626). Trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” đề xuất Chính phủ 2 nước cho thí điểm thực hiện mô hình này. Đồng chí có thể cho biết khái quát về Đề án này, cũng như tính hiệu quả của nó trong thực tiễn?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng: Là những địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây/EWEC, xuất phát từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của tuyến đường 9 và khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan; tại cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày 7/1/1997, hai bên đã thống nhất nội dung “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan”, “giao cho Chính phủ và Ủy ban hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”.

Việc nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới là cần thiết trong bối cảnh kết nối kinh tế xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác kinh tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng đang trở thành xu thế chung của các quốc gia trong khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 diễn ra vào tháng 12/2010 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), trong đó đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người, bao gồm nhiều dự án hợp tác xuyên biên giới. Trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam - Lào, mặt bằng tại khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan là thuận lợi nhất để hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, mặt khác hai nước đã thành lập 2 khu kinh tế nên việc thực hiện thí điểm về khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung sẽ thuận lợi. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để nghiên cứu, nhân rộng ra các địa phương khác của hai nước.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên bên cạnh những kết quả, mục tiêu đạt được còn có những hạn chế, bất cập; các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan chưa được như kỳ vọng. Tại chuyến thăm và làm việc của Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị tại tỉnh Savannakhet (17 - 19/02/2022), lãnh đạo cấp cao hai tỉnh đã thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”. Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan được dựa trên mô hình “Hai nước hai khu, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách”.

Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, hai Bên cùng nghiên cứu, xây dựng một Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD), khu công nghiệp...; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư...

PV: Mục tiêu đề ra khi thực hiện thí điểm mô hình này là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng: Khi đề xuất Chính phủ 2 nước cho thí điểm thực hiện mô hình “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan”, tỉnh Quảng Trị cũng đã nghiên cứu và đặt ra mục tiêu là: Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan trở thành khu vực có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội hai bên (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet), lan tỏa đến sự phát triển kinh tế của hai nước Việt Nam - Lào.

Từng bước xây dựng khu vực Lao Bảo – Đensavan trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong (GMS), con đường tơ lụa kết nối Ấn Độ - ASEAN. Trong ngắn hạn, giai đoạn 2023 - 2030, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 1 khu công nghiệp có quy mô 100 - 200 ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, gia công; quy hoạch các địa điểm thuận lợi dọc tuyến Quốc lộ 9 trong phạm vị Khu thương mại biên giới Đensavan và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bãi, trung chuyển hàng hóa. Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan, để rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

PV: Để phát triển toàn diện thì chỉ riêng nỗ lực của tỉnh Quảng Trị là chưa đủ. Theo đồng chí cần có những vấn đề nào về cơ chế và chính sách trong hợp tác kinh tế với Lào cần thay đổi, bổ sung và hoàn thiện để sự hợp tác đạt hiệu quả cao nhất?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng: Với mong muốn về chuyển đổi mô hình hợp tác từ tập trung vào công tác hữu nghị truyền thống sang mô hình hợp tác kinh tế theo hướng hai bên cùng có lợi và mang tính bền vững thì chỉ nỗ lực của các địa phương thôi là chưa đủ mà cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào tăng cường trong hợp tác kinh tế như: Thứ nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương có biên giới tiếp giáp với nhau cùng phối hợp thực hiện công tác quy hoạch tổng thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi tỉnh; trong đó ưu tiên quy hoạch tại khu vực các cửa khẩu nhằm tạo sự kết nối đồng bộ cửa khẩu hai bên biên giới; cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi theo mức cao nhất mà Chính phủ Lào và Việt Nam đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại, các địa phương hai nước.

Thứ hai, hai bên cũng cần tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực. Tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá chung 2 nước Việt Nam - Lào trở thành một điểm đến chung với du khách quốc tế.

Thứ ba, một vấn đề nữa tôi muốn nêu là chúng ta không thể đứng ngoài chuyển động của kinh tế số toàn cầu, các địa phương cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử... Phát triển bền vững phải dựa trên phát huy nội lực, giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào có rất nhiều điểm tương đồng, đó là cùng nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch, nông nghiệp, cần hợp tác phát triển đa dạng trên quy mô lớn nông nghiệp xanh, công nghệ cao, thực phẩm sạch… để vừa bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo vừa tăng cường xuất khẩu, phát triển tự chủ, bền vững. Tỉnh Quảng Trị đã quan tâm hỗ trợ các tỉnh bạn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 đến 2030, tầm nhìn 2050 thông qua một Tập đoàn có uy tính đã hợp tác lập quy hoạch tại tỉnh Quảng Trị.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Để nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào cần mở rộng không gian phát triển, mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông... với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông - Tây; tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển hàng hóa, lao động, dịch vụ vận tải qua biên giới giữa người dân và doanh nghiệp hai bên; Hợp tác triển khai các dự án về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)... thường xuyên quan tâm làm tốt việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực