Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh

Thứ ba, 12/01/2010 07:38

(ĐCSVN) -  Dự án “Khôi phục môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh” (Restore the Evironment and Neutralize the Effects of War – RENEW) do Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tài trợ đã được triển khai được 9 năm tại tỉnh Quảng Trị, một trong những tỉnh bị ô nhiễm nặng nề về bom mìn, vật nổ của Việt Nam. Dự án đã góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, làm sạch môi trường khỏi các vật liệu nổ.

 

 
 Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng ô nhiễm bom mìn
nặng nề nhất Việt Nam (Ảnh: Khánh Lan)

Việt Nam là một trong những quốc gia bị rải bom nhiều nhất trên thế giới, và cũng là nước có nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mìn do các cuộc chiến tranh. Theo số liệu thống kê, có khoảng 20% diện tích mặt đất của Việt Nam (với diện tích khoảng 66,578 triệu mét vuông) bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại (UXO) sau chiến tranh. Hiện vẫn còn khoảng từ 350000 đến 800000 tấn bom đạn vật nổ của thời kỳ chiến tranh còn nằm lại trong lòng đất trên khắp cả nước đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam.

 

Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi là những tỉnh có số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại rất lớn trong đó Quảng Trị là điạ phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉnh Quảng Trị, nằm ở vùng Phi quân sự cũ (DMZ), là một trong những chiến trường ác liệt và hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong thời gian chiến tranh. Kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, đã có hơn 6.912 người bị thương tật và tử vong do tai nạn bom mìn (chiếm 1,2% dân số toàn tỉnh).

 

Ngay sau khi đất nước giải phóng, Đảng, Chính phủ, Quân đội, chính quyền và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực tiến hành các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về hậu quả và phòng tránh tai nạn về bom mìn, vật nổ. Đã có hàng triệu bom mìn, vật nổ được dò tìm, thu gom, xử lý, giải phóng hàng trăm nghìn héc-ta đất, tái tạo, phát triển quỹ đất, tạo điều kiện để người dân ổn định sinh sống, phát triển kinh tế - xã hội…Tuy nhiên, do mức độ ô nhiễm lớn, trang bị phương tiện và lực lượng chuyên trách còn thiếu, nên tai nạn do bom mìn, vật nổ vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng…

 

Nhằm thúc đẩy việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về phòng ngừa tai nạn bom mìn tại Việt Nam, một nhóm công tác không chính thức về vấn đề bom mìn (LWG) đã được thành lập. Các thành viên của nhóm LWG gồm có: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Trung tâm Tư liệu các tổ chức phi chính phủ (VUFO-NGO) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác. Trong thời gian qua, các cơ quan đã tham gia tích cực vào các hoạt động phòng tránh tai nạn bom mìn tại Việt Nam như: Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF), Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF); Tổ chức hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (VNAH); Clear Path International (CIP); Catholic Relief Services (CRS); UNICEF; UNDP...

 

Là một trong số các tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động chống bom mìn tại Việt Nam, VVMF đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị triển khai Dự án RENEW như một chương trình thí điểm với mục tiêu “phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam”. Đây là dự án tổng thể về bom mìn, vật nổ. Mục đích của Dự án này là phòng ngừa, giảm thiểu thương vong; cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của các gia đình nạn nhân bom mìn qua việc giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các hoạt động liên quan tới các vấn đề mìn và bom đạn chưa nổ để giải quyết có ảnh hưởng của chúng tới cộng đồng.

 

Dự án đã được thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2000 đến 2006 tại Triệu Phong và Hải Lăng (Quảng Trị) với ngân sách tài trợ 200.000 USD Mỹ/năm. Đến tháng 12/2006, VVMF ký thỏa thuận tiếp tục tài trợ khoảng 2,6 triệu USD cho việc mở rộng Dự án RENEW sang một huyện khác của Quảng Trị.

 

Năm 2002, trong một khảo sát do Dự án RENEW thực hiện tại Quảng Trị cho thấy: Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương với bom mìn, vật nổ vì sự tò mò tự nhiên khiến trẻ thường rất hay chơi với các đồ vật mới trong đó có bom mìn mà các em tìm thấy. Hơn thế, các công việc gia đình hàng ngày (chăn trâu, cắt cỏ), việc chạy nhảy, chơi đùa ở những nơi còn nhiều bom mìn đã đặt trẻ em vào các nguy cơ thương vong rất cao. Phần lớn các tại nạn do bom mìn, vật nổ gây ra thường xảy ra với trẻ em và thanh, thiếu niên, hơn một nửa số thương vong xảy ra với trẻ ở độ tuổi dưới 21.

 

 
 Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương với bom mìn, vật nổ tại Quảng Trị  (Ảnh tư liệu)

Các hậu quả của tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra đối với trẻ em rất trầm trọng và hầu hết những trẻ này đã không thể sống sót. Trường hợp sống sót thì các vết thương thân thể thường bị trầm trọng hơn nhiều do khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng hạn chế. Hơn thế, những em bị thương hay cơ thể bị biến dạng dễ bị xa lánh, cô đơn và rất nhiều em đã không thế tiếp tục đến trường.

 

Nhìn chung, khi các gia đình nghèo có một em nhỏ hay các thành viên khác trong gia đình bị thương do bom mìn, vật nổ gây ra thì không những họ sẽ phải chi dùng nhiều hơn cho các chi phí y tế, mà còn mất đi sự đóng góp của những thành viên này vào thu nhập gia đình. Rất nhiều gia đình đã không thể đáp ứng được những chi phí này vì điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn nên dễ rơi vào tình trạng bần hàn, cơ cực. Sự ô nhiễm do bom mìn, vật nổ gây ra còn hạn chế khả năng khai hoang, phục hoá, canh tác đất đai trồng trọt của các cộng đồng.

 

Trong quá trình triển khai Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Bình, nhiều nạn nhân bom mìn đã được dạy nghề, cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp phù hợp. Một số dân địa phương đã từ bỏ nghề kiếm sống bằng rà tìm phế liệu, một nghề rất có thể phải bỏ mạng sống nếu gặp phải bom mìn chưa nổ, để chuyển sang nghề khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó, Dự án đã mở rộng chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ tới đời sống dân sinh, phát triển kinh tế xã hội.

 

Được biết, ngoài việc tài trợ nhân đạo liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm VVMF cử từ 2 đến 4 đoàn, trong đó có nhiều cựu chiến binh, quan chức, doanh nghiệp, giáo sư, nhà bảo sang thăm và tìm hiểu tình hình Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình hòa giải, hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Theo tin từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (LHCTCHNVN) cho biết: Từ ngày 11 đến 17/01/2010, đoàn 29 người của VVMF do ông Barry Richard McCaffrey, Tướng Mỹ nghỉ hưu, giáo sư về an ninh và quan hệ quốc tế thuộc Học viện quân sự Westpoint Mỹ và ông Jan C. Scruggs, Chủ tịch VVMF làm đồng Trưởng đoàn sẽ đến thăm và đi thực tế Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị. Trong chuyến thăm này, đoàn sẽ thông báo về khoản tài trợ của Quốc hội Mỹ khoảng 1 triệu USD cho dự án RENEW tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

 

Đánh giá về hiệu quả của Dự án RENEW triển khai trên địa bàn tỉnh tại buổi tọa đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ tư lệnh Công binh và Báo Quân đội nhân dân phối hợp tổ chức trong hai ngày 19 và 20/11 tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói: "UBND tỉnh Quảng Trị hoan nghênh Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và dự án RENEW vì những hoạt động rất có ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống của nhân dân địa phương... Chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ và các cựu chiến binh trong việc góp phần làm cho Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng trở thành một nơi an toàn hơn trước hiểm hoạ của bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh. Khoản tài trợ mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thêm nhiều người dân tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ những thành công của dự án RENEW."

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực