Thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Thứ ba, 29/11/2022 18:14
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế, Khoa học Xã hội và Nhân văn Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế "30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và hơn thế nữa: Những vấn đề nhân văn".

Tham dự hội thảo có đông đảo chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và Hàn Quốc. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế, Khoa học Xã hội và Nhân văn Hàn Quốc, đồng thời cũng là hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

leftcenterrightdel
 TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu. Ảnh: VA

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992, từ đó hai nước đã không ngừng nỗ lực để nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001 và “đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009 và hiện nay lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng nhất trí ủng hộ hướng tới nâng tầm quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Trải qua 3 thập kỷ, quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực.

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phát biểu đề dẫn, GS. TS. Kang Heejung, Ủy viên Uỷ ban Đặc biệt về Chính sách Nghiên cứu Nhân văn NRC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á - Đại học Sogang cho biết, 30 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đã phát triển hơn nữa về chiều sâu. Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đang ngày càng phát triển chặt chẽ hơn. Giờ đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên hướng tầm nhìn sang các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật trên cơ sở thấu hiểu lịch sử và văn hóa giữa hai nước và chuẩn bị nền tảng cho sự tin cậy vững chắc hơn nữa trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: VA

GS. TS. Kang Heejung nhấn mạnh, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Giao dịch thương mại giữa hai nước trong năm đầu tiên sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ đạt 500 triệu USD, nhưng sau gần 30 năm, con số này đã tăng lên 78 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Việc hai nước mở rộng giao dịch thương mại vô cùng sâu rộng trong khoảng thời gian ngắn như trên có nghĩa hai nước chúng ta ngày càng phụ thuộc, tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với đó, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không chỉ đạt được sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kinh tế mà các hoạt động giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa cũng không ngừng tăng lên.

GS. TS. Kang Heejung cho hay, Việt Nam và Hàn Quốc lần đầu ủng hộ “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001, và dự kiến được nâng cấp thành “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” trong năm nay, năm đánh dấu 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Với xu hướng này, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của hợp tác học thuật, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để sự phát triển bền vững hơn nữa tương lai của hai nước. Chắc chắn điều này không chỉ dành cho một số nhà nghiên cứu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo người học. Vì tương lai của thế hệ trẻ, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng nền tảng nghiên cứu chung trong ngành khoa học nhân văn bằng cách phát triển các chủ đề nghiên cứu và đẩy mạnh giao lưu giữa các nhà nghiên cứu.

Hội thảo có 3 phiên chính, phiên 1: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử; phiên 2: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong giáo dục; phiên 3: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong giải quyết các vấn đề xã hội: di cư vì hôn nhân.

Tại hội thảo, các nhà khoa học của cả hai nước đã tích cực trao đổi để cùng đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, giáo dục; đồng thời đề xuất các giải pháp cho các vấn đề xã hội nảy sinh trong quan hệ hai nước hiện nay./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực