Tiếp tục đổi mới công tác đối ngoại nhân dân theo hướng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả

Thứ năm, 18/02/2010 10:35

(ĐCSVN)Với phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, năm qua, công tác đối ngoại nhân dân đã thực hiện nhiều chương trình và hoạt động có ý nghĩa. Nhân dịp Xuân Canh Dần, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (LHCTCHNVN) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Năm 2009 được đánh giá là năm thành công của công tác đối ngoại nhân dân, vậy xin ông cho biết kết quả của hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đòan kết, hữu nghị và hợp tác?

 
 Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng
(Ảnh: Khánh Lan)

Ông Vũ Xuân Hồng: Trong năm 2009, Đảng đoàn Liên hiệp đã tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của LHCTCHNVN. Năm qua, Liên hiệp đã cử 79 đoàn với 494 người đi công tác tại 38 quốc gia (tăng 49% số đoàn so với 53 đoàn và tăng 201% số người so với 164 người trong năm 2008); đã đón 87 đòan với 675 người đến từ 8 quốc gia (tăng 26% số đoàn vào so với 69 đoàn trong năm 2008). Đồng thời, Liên hiệp đón 707 đòan với 1618 khách quốc tế theo kênh các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào thăm và làm việc tại Việt Nam (tăng 16,5% so với năm 2008 là 607 đòan), cử được 19 đoàn đi công tác, vận động viện trợ ở nước ngoài (tăng 46% so với năm 2008 là 13 đoàn).  

Hoạt động hòa bình, đòan kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân được chú trọng, đặc biệt đối với các nước láng giềng. Việc đón đòan các cựu cố vấn và cựu chiến binh Trung Quốc từng giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thăm Việt Nam, tổ chức thành công Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt – Trung tại Phòng Thành (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam), việc chủ động trao đổi hợp tác với Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và nhiều hoạt động chuẩn bị cho “Năm hữu nghị Việt-Trung năm 2010”… đã góp phần tạo không khí thiện chí, hữu nghị, tin cậy cho quan hệ Việt – Trung, thúc đẩy phát triển quan hệ giao lưu và hợp tác nhân dân sau khi hòan tất phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước. Các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân với Lào, trong đó nổi bật là việc đón đòan các nhân sĩ Lào dự chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Lào Xu-pha-nu-vông, cử đòan cựu chuyên gia và tình nguyện Việt Nam đi thăm Lào đã góp phần tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống hữu nghị với Lào. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân với Campuchia được đẩy mạnh cả ở cấp trung ương và các tỉnh biên giới với nhiều hoạt động thiết thực, trọng tâm là việc đón đòan bà Men Sam On, Phó Thủ tướng thường trực Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam sang thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động với các nước làng giềng, quan hệ với nhân dân các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng tiếp tục được tăng cường, trong đó đáng chú ý là việc tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Ấn Độ- Việt Nam lần thứ 3 diễn ra vào tháng 12/2009 tại Ấn Độ và các hoạt động giao lưu, hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và các nước ASEAN. Ngoài ra, LHCTCHNVN và Hội hữu nghị hợp tác Việt Nam – châu Phi đã phối hợp với Đại sứ quán các nước châu Phi tại Việt Nam tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 46 năm Ngày châu Phi…

Đối với khu vực châu Âu, Liên hiệp đã cử 21 đòan đi công tác tại Nga, Ucraina, Đức, Ba Lan, Séc, Hungari, Bungari, Bỉ, Phần Lan, Anh, Pháp, Đan Mạch. Nổi bật trong các hoạt động với khu vực châu Âu là việc đón Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Lavrov đến thăm và làm việc tại Liên hiệp đã góp phần tạo ấn tượng tích cực và không khí thuận lợi hơn nữa cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nga. Việc tổ chức đón, an táng di hài bà Sybille Weber, một người bạn Đức chí cốt của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã có tác dụng động viên khích lệ đối với nhiều bạn bè quốc tế của Việt Nam. 

PV: Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 -2010 vẫn tiếp tục được triển khai trong năm 2009. Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được cũng như đánh giá của ông về những kết quả đó? 

Ông Vũ Xuân Hồng: Năm 2009, Liên hiệp đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đón 707 đòan với 1618 người là chuyên gia, cán bộ dự án, nhà tài trợ, tình nguyện viên vào thăm và hỗ trợ triển khai dự án tại các địa phương và các cơ quan đối tác Việt Nam. Liên hiệp đã tham mưu giúp Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hòan tất thủ tục cấp mới, gia hạn, bổ sung và sửa đổi 237 giấy phép các loại cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.  

 
 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm và Chủ tịch LHCTCHNVN
Vũ Xuân Hồng tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt- Trung

(Ảnh: Khánh Lan)

Giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm 2009 có nhiều khả năng vẫn đạt mức giải ngân của năm 2008, ước đạt 250 triệu USD thông qua khoảng 2500 chương trình, dự án và các khỏan tài trợ phi dự án cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Liên hiệp đã chủ động phối hợp tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình và vận động 24 tổ chức phi chính phủ nước ngoài kịp thời ủng hộ 8,2 triệu USD giúp nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Liên hiệp đã vận động 11 tổ chức phi chính phủ nước ngoài giải ngân được 35 triệu USD (đạt gần 40% so với cam kết) và ước tính sẽ đạt được mức giải ngân theo kế hoạch đặt ra tại Chương trình “ Nối vòng tay lớn” năm 2008 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức; đồng thời đã gửi thư kêu gọi cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngòai tại Việt Nam cam kết viện trợ cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo năm 2010. 

Đặc biệt, trong năm qua, Liên hiệp đã phối hợp hỗ trợ và tổ chức thành công hai hoạt động lớn của tổ chức Habitat for Humanity Internatinal (HFHI) triển khai dự án “ Xây dựng nhà ở, nước sạch và vệ sinh cho người nghèo tại địa bàn ngư dân Đồng Xá, thị trấn Kẻ Sặt, Hải Dương và tổ chức Operation Smile Vietnam (OS) thực hiện chương trình “20 năm vì những nụ cười – Hành trình những điều kỳ diệu” cho khoảng 1000 trẻ em của 15 tỉnh, thành trong cả nước. Sự đóng góp của tình nguyện viên từ các chương trình, dự án không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết, hòa bình, quan hệ hữu nghị và đòan kết giữa nhân dân các nước trên thế giới và Việt Nam. 

Ngoài các hoạt động nhân đạo, từ thiện và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục tích cực ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh dư luận về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, công bằng thương mại, ủng hộ việc giải quyết chất độc da cam tại Việt Nam. Đồng thời, một số tổ chức khác có xu hướng quan tâm hơn đến lĩnh vực xây dựng chính sách, tăng cường đầu tư cho các dự án nhằm thúc đẩy phát triển “ xã hội dân sự” ở Việt Nam.

Năm qua, để tiếp nối các hoạt động nằm trong Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (giai đoạn 2006-2010), Liên hiệp đã tổ chức 19 đòan đi vận động viện trợ tại Nhật Bản, Mỹ, Úc, Đức, Hà Lan và Pháp. Các đòan đi đã góp phần tăng cường tính chủ động của Việt Nam trong vận động, thiết lập mối quan hệ của Việt Nam trong tìm hiểu, vận động, thiết lập mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và quỹ tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, phát triển kinh tế - xã hội.
 

PV: Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 28 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân? 

Ông Vũ Xuân Hồng: Năm 2009 là năm đầu tiên LHCTCHNVN thực hiện Chỉ thị 28CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X và Nghị quyết Đại hội IV của Liên hiệp. Chỉ thị 28 CT/TW thực sự đã củng cố và nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp và nhân dân cả nước về vai trò của đối ngoại nhân dân cũng như vị trí, nhiệm vụ của LHCTCHNVN và vì vậy đã tạo ra một sức sống mới cho tòan bộ hoạt động của Liên hiệp và các tổ chức thành viên. 

Công tác đối ngoại trên các lĩnh vực hòa bình, đòan kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân được chủ động đẩy mạnh với nhiều hoạt động có ý nghĩa chính trị cao và hiệu quả thiết thực, đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các tổ chức cánh tả, tiến bộ được củng cố tăng cường; các hoạt động song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng. Hoạt động vận động, hợp tác và đấu tranh chính trị được đẩy mạnh, có chiều sâu; hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa được tăng cường với nhiều kết quả thiết thực. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được chủ động triển khai tốt, góp phần tiếp tục duy trì mức viện trợ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tòan cầu. Công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, có hiệu quả tích cực. Liên hiệp chủ động phát huy được vai trò nòng cốt trong các hoạt động đối ngoại chung của các tổ chức nhân dân, đồng thời tích cực hỗ trợ trong công tác đối ngoại cho Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và một số đòan thể, tổ chức nhân dân khác. 

Hoạt động lễ tân đối ngoại đã được tổ chức tốt trong các cuộc gặp gỡ hữu nghị với Đòan ngoại giao, đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; nhân dịp các chuyến thăm của nhiều vị nguyên thủ quốc gia hoặc các vị khách quan trọng đến từ các nước Lào, Campuchia, Nhật Bản, Nga, Bungari, Đức, Anh, Canada; nhân dịp Quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hoặc các sự kiện trọng đại khác của Việt Nam và các nước. Trong năm 2009, Liên hiệp đã tặng kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho 112 tổ chức và người nước ngoài, đồng thời, đã đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương và Huy chương hữu nghị cho 1 tổ chức và 3 người nước ngoài có nhiều đóng góp tích cực cho Việt Nam. 

Bên cạnh các hoạt động đối ngoại với các đối tác nước ngoài, Liên hiệp đã tổ chức các đòan đi làm việc, khảo sát hoặc kết hợp tham dự đại hội, hội nghị của các tổ chức thành viên ở trung ương và địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Cần Thơ, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh để phổ biến, quán triệt và giải đáp kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung trong Báo cáo, Điều lệ sửa đổi và Nghị quyết Đại hội IV của Liên hiệp. 

PV: Bên cạnh những kết quả đã được sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 28 CT/TW thì LHCTCHNVN còn gặp phải những khó khăn, hạn chế gì ? 

Ông Vũ Xuân Hồng: Theo tôi, hạn chế lớn nhất là việc thể chế hóa Chỉ thị 28 vẫn còn chậm, chủ yếu là do các lý do khách quan, khiến việc sắp xếp, kiện tòan tổ chức và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho tổ chức Liên hiệp ở Trung ương và nhất là tại các địa phương chậm được triển khai. Các vấn đề về cơ chế, điều kiện về biên chế, kinh phí, chế độ, chính sách đối với cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn là khó khăn lớn nhất đối với tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hiện nay. Việc trao đổi thông tin hoạt động giữa các tổ chức thành viên ở địa phương với Liên hiệp Trung ương còn chưa kịp thời và thường xuyên. 

PV: Theo ông, Liên hiệp cần đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 28 – CT/TW? 

 
 Hơn 1000 trẻ em tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam được phẫu thuật từ
chương trình “20 năm vì những nụ cười – Hành trình những điều kỳ diệu"
do tổ chức Operation Smile Vietnam triển khai
(Ảnh tư liệu)

Ông Vũ Xuân Hồng: Trước hết, Đảng đòan Liên hiệp chủ động, tích cực làm việc với các bộ, ban ngành liên quan để sớm thể chế hóa và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về tổ chức của Liên hiệp, xây dựng Đề án về tổ chức, cơ chế hoạt động và chế độ chính sách đối với LHCTCHNVN trình Ban Bí thư xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện để ổn định, củng cố tổ chức và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp. Bên cạnh đó, LHCTCHNVN sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Mặt khác, Liên hiệp sớm hòan thiện Đề án về Quỹ hữu nghị và hợp tác quốc tế nhân dân để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, ký Quy chế phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương để hình thành cơ chế phối hợp của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân, tích cực đẩy nhanh tiển độ triển khai dự án của Văn phòng Trung ương hỗ trợ cho Liên hiệp. 

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đòan thể nhân dân ở địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 28 –CT/TW, trong đó chú trọng xây dựng bộ máy cán bộ chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước mắt và lâu dài. 

PV: Năm 2010 là năm có nhiều ngày kỷ niệm và sự kiện đối ngoại quan trọng, vậy xin ông cho biết công tác chuẩn bị để triển khai có hiệu quả các sự kiện trên? 

Ông Vũ Xuân Hồng: Đúng thế. Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trong đó đặc biệt phải kể đến các hoạt động trọng tâm như Gặp gỡ hữu nghị nhân dân ba nước Việt Nam – Lào- Campuchia; tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt – Trung; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt – Trung lần thứ nhất và các hoạt động khác hưởng ứng “ Năm hữu nghị Việt – Trung 2010”… Bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đòan kết, hữu nghị và hợp tác, Liên hiệp tiếp tục đẩy mạnh Chương trình quốc gia về xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài (giai đoạn 2006 -2010) để hỗ trợ chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam… 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Liên hiệp phải tiếp tục đổi mới các hoạt động đối ngoại nhân dân; chủ động tiếp cận các đối tác mới; mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phát triển mạnh số lượng các hội hữu nghị, các câu lạc bộ với nhiều loại hình phong phú thu hút đông đảo người nước ngòai tham gia, chú trọng hướng tới người Việt Nam ở nước ngoài.  

Đặc biệt trong lĩnh vực vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp tiếp tục chủ động cử các đòan đi tìm hiểu, vận động, thiết lập mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ nước ngòai, các tổ chức và quỹ tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, phát triển kinh tế - xã hội…

PV: Xin cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực