Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Lào kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị

Thứ bảy, 24/09/2022 18:05
Sáng 24/9, tại thủ đô Viêng Chăn, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung ương Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào đã tổ chức kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Việt Nam – Lào 2022.
leftcenterrightdel

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Bounma Simavong, Chủ tịch Trung ương Giáo hội Liên minh Phật giáo Lào, cùng các chức sắc Phật giáo hai nước chủ trì lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN) 

Tham dự có: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Bounma Simavong, Chủ tịch Trung ương Giáo hội Liên minh Phật giáo Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, cùng đông đảo chư tăng và cộng đồng Phật tử hai nước tại thủ đô Viêng Chăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và Hòa thượng Bounma Simavong đều khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào chính là nền tảng vững chắc cho tình huynh đệ thắm thiết giữa Phật giáo hai nước. Hai Hoà thượng cho rằng hơn lúc nào hết, Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào cần tăng cường hợp tác hữu nghị, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, hoằng pháp, giáo dục Phật giáo, từ thiện xã hội… để chăm lo cho cộng đồng. Giáo hội Phật giáo hai nước cũng cần tăng cường xây dựng niềm tin, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, gìn giữ và phát huy truyền thống hữu nghị vĩ đại giữa hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, đồng thời chung tay tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh dịch… nhằm đem lại đời sống an lạc, hòa bình thịnh vượng cho nhân dân hai nước.

Bày tỏ vui mừng khi quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Phật giáo hai nước phát triển và đạt nhiều thành tựu tốt đẹp, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định Ban Điều phối-Hợp tác giữa hai Giáo hội Phật giáo thời gian qua đã hoạt động tích cực, hiệu quả, khẳng định vai trò cầu nối giữa hai bên.

Tổng kết phối hợp công tác Phật sự giữa hai Giáo hội cho thấy trong tinh thần dung hòa, nhằm thích ứng với xã hội thuần Phật giáo Nam tông của Lào, nên Phật giáo của người Việt ở Lào cũng đơn giản hóa về nghi lễ. Ngôi chùa Phật giáo Việt Nam ở Lào không chỉ là nơi gửi gắm đời sống tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong các chương trình, buổi lễ ở chùa, ngoài các nội dung về Phật giáo, còn có các tiết mục giao lưu văn hóa của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Công tác từ thiện được các ngôi chùa Việt ở Lào thời gian qua có nhiều hoạt động đa dạng, thể hiện rõ tính nhập thế, tinh thần dấn thân của tu sĩ Phật giáo Việt Nam đã hòa mình vào đời sống cộng đồng bà con người Việt ở Lào để cảm nhận, thấu hiểu. Từ năm 2018 tới nay, Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào đã thực hiện tốt công tác từ thiện với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ Kíp (308.000 USD).

Nhìn chung, các thành tựu Phật sự của Ban Điều phối-Hợp tác đã đem lại niềm tin đối với cộng đồng Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở Lào, khẳng định vai trò là cầu nối với Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào.

Thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết trong năm 2023, Giáo hội sẽ cùng Liên minh Phật giáo Lào và Phật giáo Vương quốc Campuchia tổ chức Hội nghị thượng Phật giáo ba nước lần thứ 2 tại Việt Nam, để tiếp nối thành công Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Viêng Chăn năm 2018.

*Trước đó, chiều 23/9, tiếp đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng chí Sinlavong Khoutphaythoune, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước cũng khẳng định năm 2022 là năm ghi dấu ấn lớn của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Đánh giá cao chuyến thăm của đoàn, nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Liên minh Phật giáo Lào xứng tầm với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước, đồng chí Sinlavong Khoutphaythoune đề nghị thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu giữa Phật giáo hai nước ở các tỉnh có chung đường biên giới, qua đó góp phần gìn giữ cuộc sống hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực