Việt Nam đẩy mạnh tìm kiếm nguồn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ năm, 25/10/2018 16:27
(ĐCSVN) – Cộng đồng quốc tế cần duy trì hệ thống thương mại lành mạnh, công bằng và cởi mở. Các quốc gia cần thực hiện cam kết của mình theo những thỏa thuận thương mại tự do mà họ tham gia, đặc biệt các hiệp định về nông nghiệp trong khuôn khổ cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội nghị
(Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Đó là một trong những nội dung đã được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh tại Hội nghị Lãnh đạo Nông nghiệp toàn cầu lần thứ 11 diễn ra ngày 24/10 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. 

Tham dự Hội nghị, về phía Ấn Độ có đại diện lãnh đạo các Bộ - đại diện cho các đơn vị tổ chức cùng đại diện các các bộ, ngành, giới hoạch định chính sách và nhà ngoại giao, các quan chức chính quyền bang, liên bang và cả các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng… Đặc biệt có sự tham dự của Giáo sư MS Swaminathan, kiến trúc sư trưởng của Cuộc cách mạng xanh của Ấn Độ được thực hiện trong những năm 1950 – 1960.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị Lãnh đạo Nông nghiệp toàn cầu là hoạt động thường niên do Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Ấn Độ (ICFA) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân, Bộ Công Thương, Bộ Công nghiệp chế biến thực phẩm Ấn Độ tổ chức.

Hội nghị Lãnh đạo nông nghiệp toàn cầu là diễn đàn lớn và quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ và thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần duy trì hệ thống thương mại lành mạnh, công bằng và cởi mở; các quốc gia cần thực hiện cam kết của mình theo những thỏa thuận thương mại tự do mà họ tham gia, đặc biệt các hiệp định về nông nghiệp trong khuôn khổ cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chia sẻ một số thành tựu nổi bật trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và sản xuất các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, sau khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam từ một nước phải đi nhập khẩu lương thực đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ mong muốn, thông qua Hội nghị này, Việt Nam có thể học hỏi thêm những công nghệ mới, tìm kiếm nguồn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để cải thiện hơn nữa chất lượng và năng suất sản phẩm cũng như nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm, thủy sản…/.

Khánh Lan (Theo ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực