Văn hóa tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Thứ ba, 16/07/2019 18:46
(ĐCSVN) - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc
trong việc thực hiện Nghị quyết 33. (Ảnh: TH).

Chiều 16/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, với bề dày văn hóa nghìn năm. Lịch sử Thủ đô Hà Nội về căn bản là “lịch sử quốc gia” thu nhỏ. Trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội sau đổi mới, Đảng bộ thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những chủ trương, tư tưởng của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô; nhấn mạnh việc xây dựng người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam, nhưng lại mang những nét đặc thù riêng, tạo nền tảng vững chắc, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 chính là sự tiếp nối trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là vai trò và vị thế văn hóa của Hà Nội đòi hỏi phải thực sự tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, Thành phố Hà Nội đã kịp thời, chủ động và đạt được kết quả toàn diện, nổi bật. Cụ thể, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có những bước chuyển biến tích cực. Với việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, môi trường văn hóa, văn minh từ công sở đến nơi công cộng, từ gia đình ra ngoài xã hội trên địa bàn Thành phố đã và đang từng bước định hình rõ nét, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Theo đó, trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 85%; “Làng văn hóa” đạt 60,5% và “Tổ dân phố văn hóa” đạt 71%.

Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa của thành phố đạt trên 4,28 nghìn tỷ đồng; huy động trên 4,3 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư cho 38 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, thu hút trên 164 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án văn hóa, thể thao.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Nhiều công trình nhà văn hóa cơ sở được xây mới theo đúng tiêu chuẩn, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Thủ đô với cả nước cũng như quốc tế được đẩy mạnh, có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Thủ đô đã tổ chức và đăng cai nhiều sự kiện văn hóa gây tiếng vang trong nước và quốc tế…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH)

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Hà Nội đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 33. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng trong thời buổi công nghệ thông tin đa chiều, để người dân thủ đô không bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc thì thành phố phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết này để mỗi người dân hiểu được bản sắc văn hóa người Hà Nội, nhất là sau 20 năm thủ đô được UNESCO công nhận là thành phố vì Hòa Bình.

Cùng với đó, Thành phố tăng cường tuyên truyền để các thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiểu được văn hóa Thủ đô để có một lớp thanh niên kế tục để Hà Nội xứng đáng là trung tâm giáo dục, văn hóa của cả nước. Cần giới thiệu, lan tỏa tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với những địa chỉ mà Bác Hồ đã đến ở thủ đô để tạo sức lay động, gần gũi. Đồng thời quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo, có chính sách để những người làm văn hóa có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để lan tỏa văn hóa Thủ đô đi khắp mọi miền đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết 33 của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Thủ đô đã có bước phát triển mới đáng tự hào. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Những kết quả và thành tựu to lớn bước đầu đạt được thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô trước tin yêu của cả nước với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị các đơn vị, địa phương cần khắc phục như một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người trên địa bàn nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 tại một số đơn vị còn mang tính thụ động, hình thức, chưa có chiều sâu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến chồng chéo, buông lỏng, giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý; chủ thể sáng tạo văn hóa chưa được tương xứng với tầm vóc của Thủ đô…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết của Đảng; các chương trình công tác của Thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô gắn với việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và đưa vào phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới của cấp ủy trong công tác xây dựng văn kiện Đại hội. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH)

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, con người phù hợp chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội, của từng địa phương. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sáng tạo. Đẩy mạnh xã hội hoá huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động; quan tâm tạo cơ chế phối hợp và tăng cường ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm lớn nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đồng thời quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, nhất là ở cơ sở. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả của các cấp để từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc; có giải pháp chọn lọc trong hội nhập văn hóa. Tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là trên môi trường internet và mạng xã hội...

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã khen thưởng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 33./. 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực