Giảm mạnh đầu mối theo hướng tinh gọn bộ máy

Thứ sáu, 30/11/2018 15:07
(ĐCSVN) - Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việc đổi mới mô hình tổ chức và kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo không chỉ nhằm tinh giản biên chế, mà quan trọng là phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy.
Sáng 30/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”; Kế hoạch số 108 về tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06 và Đề án thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Thường vụ Thành ủy.


Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, trước khi có Đề án số 06, Thành ủy Hà Nội có 58 đảng bộ trực thuộc, với 2.927 tổ chức cơ sở Đảng; có 5.638 chi bộ trên địa bàn dân cư và 1 đảng bộ bộ phận. Mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư của thành phố khá đa dạng, nhiều nơi không đồng bộ. Chi bộ đảng ở địa bàn dân cư được tổ chức phổ biến theo 6 loại hình; có thực trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố, điển hình là thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì có tới 13 chi bộ lãnh đạo một thôn.

Sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, đến nay, có thể khẳng định đã khắc phục được tình trạng chồng chéo nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố có quy mô hợp lý hơn, thu gọn đầu mối bảo đảm hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố, là cánh tay nối dài của chính quyền ở cơ sở.

Quy mô thôn, tổ dân phố, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư của Thành phố đã được sắp xếp một bước theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với nội dung, tinh thần của Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Cụ thể, sau 5 năm thực hiện, toàn TP Hà Nội đã sắp xếp 9.988 thôn, tổ dân phố còn 7.970, giảm 20,1%; sắp xếp 5.638 chi bộ còn 5.236, giảm 7,1%; 5.198 Ban Công tác Mặt trận còn 4.956, giảm 4,6%; 7.598 Chi hội Phụ nữ còn 4.718, giảm 37%; 5.253 Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn 4.951, giảm 5,7%; 5.762 Chi hội Cựu chiến binh còn 4.914, còn 14,7%; 3.498 Chi hội Nông dân còn 2.647, giảm 24,3%.

Cùng với giảm số lượng thôn, tổ dân phố, chi bộ và các đoàn thể chính trị-xã hội, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ chi bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã giảm 9.539 người.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Hà Nội vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo để hoàn thiện mô hình hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư. Đó là: Một số nơi quy mô thôn, tổ dân phố hiện nay vẫn còn chưa phù hợp, có nơi quy mô nhỏ hơn nhiều so với quy định của Thành phố và Thông tư của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, có thôn quy mô số hộ dân quá lớn, cá biệt có nơi trên 2.000 hộ (như: thôn Triều Khúc - xã Tân Triều - huyện Thanh Trì: 2.619 hộ; thôn Hạ Lôi - xã Mê Linh - huyện Mê Linh: 2.436 hộ); một số thôn, tổ dân phố chưa có đủ các chi hội đoàn thể chính trị-xã hội. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố còn rất lớn…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, chỉ rõ những kết quả đã đạt được cũng như những vấn đề còn hạn chế, tồn tại sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU và đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư và Đề án thực hiện một số mô hình thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tiếp tục thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU với tinh thần tập trung hơn, sáng tạo hơn, khắc phục những bất cập còn tồn tại. Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định mới của Bộ Nội vụ, chủ động tham vấn và xin ý kiến các cơ quan trung ương cơ chế đặc thù của Hà Nội nếu thấy cần thiết; bảo đảm thôn, tổ dân phố có quy mô hộ dân, diện tích hợp lý, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, tập quán, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của từng địa phương, đảm bảo khoa học và hạn chế tối đa việc xáo trộn, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng dân sinh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận Hội nghị. (Ảnh:TH)

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy cần chủ động dự báo, nắm chắc tình hình dân cư ở những khu đô thị mới để chỉ đạo thành lập tổ dân phố, chi bộ và hệ thống chính trị đồng bộ; kịp thời có giải pháp đối với những nơi thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng; chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp nhanh chóng khắc phục các thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, xong trong năm 2019.

Đối với Đề án 09-ĐA/TU về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)”, đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý quán triệt phương châm thận trọng, chặt chẽ, đánh giá và phân tích một cách biện chứng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, giảm thiểu các tác động trái chiều, có tính khả thi cao, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

“Việc đổi mới mô hình tổ chức và kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo không chỉ nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà quan trọng là phải phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy” - đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, các cấp ủy cần coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và các cấp ủy, vai trò của cán bộ, đảng viên./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực