Hội thảo nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công tác chăm sóc, giáo dục người khuyết tật, đảm bảo an sinh xã hội; chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp nhằm xây dựng và phát triển công tác chăm sóc, giáo dục đối với người khuyết tật.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cho thấy, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, hiện cả nước có 67 cơ sở trợ giúp người khuyết tật cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động, dạy nghề, thể dục thể thao, văn hóa, nuôi dưỡng người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong số 63 tỉnh thành có 20 tỉnh, thành thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục cấp tỉnh. Cả nước có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật.
Hoạt động giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học, đến nay cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập. Công tác giáo dục đào tạo cho người khuyết tật cũng được chú trọng với hơn 78 nghìn trẻ khuyết tật đang đi học…
“Các rào cản trong xã hội, trong giáo dục người khuyết tật từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được đảm bảo tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Đa số còn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Vẫn còn những rào cản khi người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm, tham gia giao thông, các chính sách liên quan đến người khuyết tật hiệu quả vẫn còn hạn chế”, bà Nguyễn Thị Thu Vân nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người khuyết tật, tìm giải pháp hỗ trợ trẻ trong học tập; kêu gọi các thành viên trong cộng đồng tham gia hỗ trợ người khuyết tật.
Ở góc độ hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập trong trường học, TS Nguyễn Hồng Kiên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cần xác định mức độ khuyết tật, đây chính là cơ sở để thực hiện các hình thức hỗ trợ bởi thực tế mới tập trung thực hiện ở nhóm đối tượng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội, các nhóm khuyết tật khác chưa được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, công cụ đánh giá khả năng học tập cho trẻ khuyết tật còn hạn chế khiến hình thức hỗ trợ học tập cho các em còn khó khăn...
Nhìn vào thực tế những khó khăn mà các gia đình có người khuyết tật phải đối mặt, TS Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất phát triển dịch vụ tham vấn cho gia đình người khuyết tật. Để hoạt động này thực hiện hiệu quả, TS Thương cho rằng, người tham vấn phải có kiến thức về khuyết tật, các dạng khuyết tật, tâm lý của người khuyết tật cũng như hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyết tật và người khuyết tật. Tổ chức phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại xã, phường, dựa vào nguồn lực xã hội để xây dựng các mô hình ngay tại cộng đồng.
Nhấn mạnh tới 9 quy tắc “vàng” của Tổ chức UNESCO giúp giáo viên đáp ứng tính đa dạng của học sinh trong lớp hòa nhập đặc biệt là có học sinh khuyết tật, cô Trần Thị Thiệp, khoa Giáo dục đặc biệt và cô Nguyễn Thị Mai Hương, khoa Công tác xã hội (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, nếu áp dụng nhuần nhuyễn 9 quy tắc này, học sinh khuyết tật sẽ có sự thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.