Bài 2: Yên Bái đối diện khó khăn, quyết liệt nhập cuộc khi đổi mới ngành Giáo dục

Loạt bài: TÁI CƠ CẤU GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIẾU SỐ - CÂU CHUYỆN TỪ YÊN BÁI
Thứ năm, 02/09/2021 16:00
(ĐCSVN) - 5 năm trước, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục. Những bước đi đầu của người mở đường bao giờ cũng khó khăn, vất vả, gian nan. Nhưng với sự vào cuộc nghiêm túc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã “điểm đúng huyệt” để bắt đầu công cuộc “đổi mới”.

Bài 1: Yên Bái “điểm đúng huyệt” để tái cơ cấu ngành Giáo dục

Trường Mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (Ảnh: TQ) 

Tổ chức thực hiện “Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020” có thể ví như công cuộc “đổi mới” đối với ngành Giáo dục Yên Bái. Mục tiêu tốt đẹp của Đề án là giảm đầu mối, giải quyết dứt điểm tình trạng vừa thiếu, vừa thừa cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Thu gọn đầu mối, tinh giản nhân sự dù chỉ là một vài con người, một vài phòng, ban trong bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào chưa bao giờ là công việc dễ dàng, bởi nó khiến thu hẹp quyền lực, nhiều khi cả lợi ích - những thứ vô hình nhưng rất khó hy sinh của nhóm lãnh đạo có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.

Tinh giản biên chế ở các trường học vùng dân tộc thiểu số và miền núi lại càng khó hơn. Người Việt Nam vốn dĩ vừa duy lý, vừa duy tình. Những giáo viên vùng cao, dù tại điểm trường chính hay điểm trường lẻ thì cơ bản họ đều xa nhà. Nhiều người chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, cống hiến gần trọn đời công tác vì sự nghiệp dạy chữ cho trẻ em vùng cao. Nay, nếu thuộc diện phải sắp xếp lại thì cần có phương án hợp tình, hợp lý thì mới ổn định tâm lý cho họ và từ đó ổn định nội bộ ngành.

Đó là chưa nói đến tình huống điểm trường lẻ tồn tại ở thôn bản đặc biệt khó khăn, nhưng lại nằm trong xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn, khi sáp nhập về điểm trường chính, giáo viên sẽ tụt giảm những phụ cấp dành cho giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn. Đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm, không phải ai cũng dễ dàng hy sinh.

Theo Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 27/8/2016 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp trường, lớp học lên tới 1.099 người, gồm: 212 cán bộ quản lý, 455 giáo viên và 432 nhân viên.

Vậy nên, thật dễ đồng cảm với chia sẻ rất thật lòng của ông Vương Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái: “Thực hiện Đề án thực sự là thử thách cam go đối với ngành, khi mức độ ảnh hưởng quá sâu rộng, lại chưa từng có tiền lệ... Số lượng bài toán cần giải cho cả nghìn người dôi dư với nghìn hoàn cảnh khác nhau, lại phải hợp tình, hợp lý - khó là ở chỗ đó”.

Do mức độ tác động, ảnh hưởng sâu rộng, nên mặc dù Đề án chỉ áp dụng với ngành Giáo dục nhưng đã không còn là chuyện nội bộ của ngành mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành.

 Trường THCS Văn Chấn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, 
có nối mạng Internet giúp nâng cao chất lượng dạy và học (Ảnh: TQ)

Quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong thực hiện

Để cuộc “đổi mới” diễn ra, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự quyết tâm trong thực hiện. Việc khó, thực hiện trên quy mô lớn, có tính chất “nhạy cảm” vì liên quan đến nhiều người càng nhận được sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Nhiều buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với ngành Giáo dục, các ngành liên quan, các huyện, thành phố, các đơn vị, cơ sở giáo dục đã được tổ chức. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều lần tới tận từng điểm trường để lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp đối với từng địa phương.

Chính cách làm việc khoa học, bài bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp thêm động lực và quyết tâm cho ngành Giáo dục tâm thế không sợ khó khăn, động chạm. Bản thân các ngành liên quan, các địa phương cũng không thể ngoài cuộc.

Quyết tâm, quyết liệt là vậy nhưng phải khi bắt tay vào cuộc mới vấp nhiều cái khó. Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái, Trần Xuân Hưng nhớ lại: “Giai đoạn đầu triển khai rất khó khăn. Sắp xếp lại bộ phận quản lý các trường thế nào? Sáp nhập vào thì ai đang từ hiệu trưởng xuống làm hiệu phó, ai đang từ hiệu phó xuống làm giáo viên? Rồi đội ngũ giáo viên, văn thư, kế toán thừa ra giải quyết ra sao?… Những câu hỏi không dễ có câu trả lời trong một sớm một chiều khi nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị và quyền lợi của mỗi một con người cụ thể”.

Trước khi thực hiện Đề án, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có trường tiểu học và THCS riêng biệt. Trường tiểu học có 3 điểm trường lẻ, 1 điểm trường chính. Thực hiện Đề án, tất cả các điểm lẻ của trường tiểu học và trường THCS sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS. 

Thầy giáo Trần Thanh Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn kể lại, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường đều nhận thức được việc sáp nhập là chủ trương đúng, nhưng không tránh khỏi băn khoăn, xao động. Bản thân thầy Sơn có 20 năm gắn bó với mảnh đất Suối Giàng, trưởng thành từ một giáo viên tới hiệu trưởng. Sau khi sáp nhập trở thành trường liên cấp, thầy chuyển đi làm hiệu trưởng một trường tiểu học của xã khác, cách Suối Giàng 22 km. Tuy thuận lợi là giảm được nửa quãng đường từ trường về nhà so với trước đây nhưng cũng gặp khó khăn là phải chuyển công tác từ vùng người Mông sang vùng người Dao. Nghĩa là, từ chỗ thông thạo môi trường xã hội, phong tục tập quán của người Mông, thầy Sơn phải làm quen lại từ đầu môi trường xã hội, phong tục tập quán của người Dao - những yếu tố vô cùng cần thiết giúp thầy tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu giáo dục của trường.

Còn thầy Hà Việt Thành - Hiệu trưởng Trường THCS xã Suối Giàng, nay trở thành Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Suối Giàng cùng với nhân viên y tế cảm thấy áp lực nặng nề hơn vì phải gánh vác khối lượng công việc của trường liên cấp nhiều hơn, do số lượng học sinh tăng lên gần gấp đôi sau sáp nhập…

Những câu chuyện tương tự như trên xảy ra ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Được chuyển từ điểm lẻ về trường chính là mong mỏi bấy lâu của giáo viên. Sẽ thuận lợi nếu họ vẫn giữ được công việc của mình. Khó giải quyết chỉ là những trường hợp dôi dư, phải điều chuyển, phải chuyển xuống cấp học mầm non, phải kiêm nhiệm làm nhân viên…

Thế nên ngành Giáo dục và các địa phương ở Yên Bái đều thống nhất quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Không chỉ cấp tỉnh mà cấp huyện cũng ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, tổ chức hàng trăm cuộc tiếp xúc lớn, nhỏ với giáo viên; công khai, minh bạch và dân chủ các quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động đội ngũ, quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho số cán bộ thuộc diện phải sắp xếp lại nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, giáo viên, nhân viên.

…Và những kết quả đạt được.

Sau 5 năm thực hiện Đề án, Yên Bái đã sắp xếp lại 970 người, đạt mục tiêu đề ra, trong đó:

- Cán bộ quản lý: Có 270 người thì 122 hiệu trưởng miễn nhiệm làm phó hiệu trưởng; 124 người miễn nhiệm làm giáo viên, gồm 09 hiệu trưởng, 115 phó hiệu trưởng; 12 hiệu trưởng, 12 phó hiệu trưởng chờ nghỉ hưu.

- Giáo viên: Có 390 người thì điều động 212 người; chờ nghỉ hưu 2 người; 176 giáo viên cử đi đào tạo, bồi dưỡng phân công giảng dạy mầm non, bồi dưỡng kiêm nhiệm nhân viên thiết bị, thư viện và bố trí kiêm nhiệm nhân viên khác.

- Nhân viên: Có 310 người (196 kế toán, 114 y tế), đã thực hiện điều động 18 người (6 kế toán, 12 nhân viên y tế); 292 người cử đi đào tạo lại, bồi dưỡng thành nhân viên mầm non; bố trí kiêm nhiệm văn thư, thủ quỹ và kiêm nhiệm công việc khác.

Trong khi ở nhiều nơi khác, việc tinh giản biên chế chủ yếu là với nhân viên thì tại Yên Bái, số lượng giáo viên tinh giản cao hơn số lượng nhân viên. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc, thực chất trong tổ chức thực hiện sắp xếp cán bộ của địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn hóa, nâng cao trình độ của đội ngũ có vai trò quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục.

 Từ việc giảm được 1.895 nhu cầu về cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi thực hiện Đề án cơ cấu ngành Giáo dục của Yên Bái đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động và tiết kiệm ngân sách nhà nước (đồ họa: TQ)

Cô giáo Nguyễn Thị Lê Na, từng là cán bộ quản lý, sau sắp xếp được miễn nhiệm chức vụ xuống làm giáo viên ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Đại Sơn, huyện Văn Yên tâm sự: Nhiều giáo viên, nhất là những người có chức vụ bị miễn nhiệm ban đầu không tránh khỏi tâm tư xao động, công việc chệch choạc. Tuy nhiên, do thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của lãnh đạo huyện, lãnh đạo Phòng Giáo dục và được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định nên dần thăng bằng trở lại, vui vẻ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, ông Vương Bằng khẳng định, kết quả của Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; góp phần giảm áp lực về nhu cầu tuyển dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tiết kiệm kinh phí.

Khái quát hơn, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, Đề án được triển khai có tính lịch sử, tính thời sự, xuất phát từ thực tiễn và có tính nhân văn sâu sắc. Kết quả đạt được gói gọn trong “3 giảm” và “3 tăng”. “3 giảm” là: Giảm điểm trường, số trường; giảm số lớp; giảm biên chế giáo viên, cán bộ quản lý. Và “3 tăng” là: Tăng số lượng học sinh và học sinh bán trú; tăng cơ sở vật chất chuẩn hóa cho các trường học; tăng chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện và chăm sóc học sinh. Quan trọng nhất là Yên Bái đã hoàn thành sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Giáo dục khi nhiều nơi khác đang rất khó khăn trước vấn đề này. 

5 năm trước, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục. Những bước đi đầu của người mở đường bao giờ cũng khó khăn, vất vả, gian nan. Nhưng với sự vào cuộc nghiêm túc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã “điểm đúng huyệt” để bắt đầu công cuộc “đổi mới” ngành Giáo dục. Sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần quyết tâm cao của tỉnh và cả hệ thống chính trị trên nguyên tắc kiên định với mục tiêu đề ra, song không nóng vội, hấp tấp; sau mỗi năm, đều rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Với cách làm khoa học, cẩn trọng và chắc chắn, Yên Bái đã thành công./.

Mời đọc bài cuối: Cần đẩy nhanh sắp xếp trường, lớp, đội ngũ cán bộ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trần Quỳnh - Vân Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực