Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm hơn tới công tác kiểm định chất lượng

Thứ sáu, 30/09/2022 08:54
(ĐCSVN) - Kiểm định giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ngoài mục đích thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục nói chung, còn nâng cao sự tin cậy của xã hội đối với chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường, nâng tầm vị thế của giáo dục nghề nghiệp...
 Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như giải pháp để đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới trên địa bàn Thành phố

Chiều 29/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hướng tới công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn Thành phố.

Theo bà Đoàn Thảo Nguyên, Phó trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, công tác hệ thống đảm bảo chất lượng, tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp là một trong những công tác quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nó bao gồm hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của trường, hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế, giám sát đánh giá, thông qua đó nhà trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

“Việc kiểm định chất lượng không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cũng như chất lượng toàn trường”, bà Nguyên nhấn mạnh.

Mặc dù tầm quan trọng là vậy, tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số nhà trường chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, do đó cũng một phần làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyên đã đưa ra những con số cụ thể như: Có 77/99 (đạt 77,77%) trường cao đẳng, trường trung cấp thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Có 13/24 (đạt tỉ lệ 54,16%) trường Cao đẳng công lập đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Có 5/21 (đạt tỉ lệ 23,8%) trường trung cấp công lập đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp…

Từ những khó khăn hiện nay, bà Nguyên cho rằng, trong công tác quản lý điều hành thủ trưởng đơn vị cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác kiểm định chất lượng, tự đánh giá chất lượng tại đơn vị. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác kiểm định, tự đánh giá chất lượng. Cần xây dựng phương hướng, lộ trình đạt kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ LĐTBXH, tiếp đến đạt được chất lượng kiểm định quốc tế.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện công tác kiểm định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề trong trường học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố.

 Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Là một trong những trường đào tạo nghề đi đầu trong công tác tự kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế, ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng cho rằng, đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng hiện là xu hướng tất yếu trong giáo dục của Việt Nam và trên toàn thế giới. Giáo dục nghề nghiệp cũng không ngoại lệ.

Trong những năm qua, trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã nghiên cứu và thực hiện cải tiến không ngừng chất lượng đào tạo. Với mong muốn sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao và có khả năng thích ứng nhanh trong việc chuyển đổi nghề nghiệp khi cần, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc đảm bảo chất lượng từ bên trong là rất quan trọng, tạo thành văn hoá chất lượng trong nhà trường. Không chỉ áp dụng các quy trình cải tiến, đảm bảo các tiêu chí tiêu chuẩn cho các chương trình thực hiện kiểm định, mà việc thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng được áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo trong Nhà trường.  

Để đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng được hiệu quả, ông Kha cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên xây dựng kế hoạch chiến lược để tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu, sự khó khăn, bất cập trong tổ chức giáo dục để định hướng phát triển. Đồng thời, cải tiến liên tục hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong. Và đặc biệt, phải gắn kết với cộng đồng, nhất là các đơn vị sử dụng lao động để đảm bảo rằng các mục tiêu và tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu của xã hội và cộng đồng.

Cùng với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, kiểm định giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế là một xu thế cần được ủng hộ trong thời gian tới. Hình thức này ngoài mục đích thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục nói chung, còn nâng cao sự tin cậy của xã hội đối với chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường, nâng tầm vị thế của giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng kỳ vọng của xã hội, của quốc gia.

Theo GS.TS Nguyễn Lộc, cấp quản lý Trung ương và Thành phố cần đưa ra các hướng dẫn và chính sách phù hợp để công nhận và khuyến khích việc các trường cao đẳng và dạy nghề của Việt Nam tích cực tìm kiếm và tham gia các kiểm định và xếp hạng quốc tế.

“Thành phố Hồ Chí Minh nên đi đầu về kiểm định theo chuẩn quốc tế bằng cách giao cho các tổ chức tư vấn phù hợp nghiên cứu, chọn lọc, kết nối, vận động, xây dựng chiến lược và hướng dẫn các trường cao đẳng tham gia kiểm định quốc tế”, Giáo sư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức nghiên cứu xây dựng các hình thức kiểm định mới như xếp hạng/định hạng (ranking/rating), để đa dạng hóa kiểm định chất lượng đáp ứng với nhu cầu của người học, của phụ huynh, của doanh nghiệp hơn là chỉ chú trọng thuần túy vào nhu cầu trường học.

Để công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hướng tới công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm và quyết liệt hơn trong việc điều hành chỉ đạo thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác kiểm định chất lượng, tự đánh giá chất lượng tại đơn vị; tạo sự chuyển biến về nhận thức trong toàn thể cán bộ, giảng viên…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác kiểm định, tự đánh giá chất lượng; tổ chức các lớp bồi dưỡng về thực hiện công tác kiểm định, tự đánh giá chất lượng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% ngành nghề trọng điểm thành phố phải thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động; 5 chương trình đào tạo phải thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực