Công bố Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021

Thứ sáu, 25/06/2021 22:00
(ĐCSVN) - Chiều 25/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo giới thiệu Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến ngày 30/9/2021.
 Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VA)

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2021 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những vấn đề nóng, thành tựu trong thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học của ngành giáo dục trên phạm vi cả nước. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ về thể lệ Giải năm nay, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban Tổ chức, cho biết: Tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2020 đến ngày 5/9/2021. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm

Về nội dung: Tác phẩm dự thi bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.

Nội dung tác phẩm dự thi cũng có thể viết về các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học. Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Loại hình báo chí được xét trao Giải gồm: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình

Dự kiến Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 13/11/2021.

Về cơ cấu giải thưởng, ông Triệu Ngọc Lâm cho biết, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” bao gồm: 1 Giải đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình); Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật).

Mỗi giải thưởng sẽ bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiền thưởng bằng tiền mặt:

1 Giải Đặc biệt: 60.000.000 đồng; 1 Giải nhất: 30.000.000 đồng; 2 Giải nhì: 15.000.000 đồng/giải; 3 Giải ba: 10.000.000 đồng/giải; Giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.

Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – Trưởng Ban chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" khẳng định, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Nhân dân, xã hội luôn kỳ vọng vào sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà, vì thế GD&ĐT có sứ mệnh quan trọng

Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thành tích của giáo dục đã đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong nhiều năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục. Qua đó đã giúp cho những chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân cùng đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn, sẽ có nhiều tác phẩm báo chí hay, chất lượng phản ánh sinh động về sự nghiệp GD&ĐT gửi đến Ban tổ chức. Đây cũng là cách mà các nhà báo đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực