Đà Nẵng: Khắc phục khó khăn trong những ngày đầu năm học mới

Thứ tư, 15/09/2021 09:50
(ĐCSVN) – Hai tuần đầu tiên của năm học mới 2021-2022, ngành Giáo dục TP Đà Nẵng tổ chức cho học sinh học bằng hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội, việc dạy và học đến nay cơ bản diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo yêu cầu.
 Học sinh tại TP Đà Nẵng đang bước vào tuần thứ 2 của năm học mới bằng hình thức học tập trực tuyến.

Hình thức dạy và học phù hợp với điều kiện có dịch

Đã bước qua tuần thứ 02 chị Lê Thị Trang (nhà ở tổ 22, phường Nại Hiên Đông) ở nhà hỗ trợ 02 con chị học trực tuyến. Chị cho biết, con trai lớn của chị năm nay học lớp 11. “Tuổi này cháu đã biết tự giác và chủ động trong học tập nên không phải lo nhiều. Tuy nhiên, cậu em thì mới lớp 3 nên phải có người trông chừng, hướng dẫn mới tập trung cho việc học được”- chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang, thời điểm bắt đầu năm học mới năm nay cũng là thời gian dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đang ở giai đoạn quyết định sau gần 01 tháng TP thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội “Ai ở đâu thì ở yên đó”. Nếu trong thời điểm đầu tháng 9 vừa rồi, khi thành phố bước đầu khống chế được số ca bệnh trong cộng đồng và giảm số ca mắc mới mỗi ngày mà quản lý lỏng lẻo, đề người dân ra đường hoặc cho các hoạt động xã hội trở lại bình thường thì mọi nỗ lực trong phòng chống dịch coi như đổ bể. Trong bối cảnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố chủ trương tổ chức khai giảng năm học mới và tiến hành dạy và học trực tuyến là phù hợp. “Chủ trương này đều được các phụ huynh đồng thuận. Tuy nhiên, các phụ huynh mong dịch sớm bị đẩy lùi để TP trở lại trạng thái bình thường và việc học tập của con em diễn ra thuận lợi”- chị Trang cho hay.

Cùng suy nghĩ như chị Trang, chị Trần Lan Anh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), có con vào lớp 1 cũng chia sẻ, do dịch bệnh kéo dài nên việc tổ chức dạy và học trực tuyến là phù hợp. Khi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì không thể để mọi người tập trung tạo môi trường lây bệnh và các phụ huynh cũng không thể yên tâm cho con đến trường trong thời điểm hiện nay. “Con mình mới lớp 1 nên ban đầu hết sức lo lắng, bởi cháu còn quá nhỏ, mọi việc từ sử dụng máy tính đến cách giúp cậu ấy chịu ngồi yên học tập thật không dễ. Nhưng rồi cũng đâu vào đó, nhất là khi ngành Giáo dục TP tổ chức dạy tiếng Việt lớp 1 trên truyền thì nhóc nhà mình rất thích. Tất nhiên mình phải ở nhà theo sát cậu ấy”- chị Lan Anh chia sẻ.

Nhận xét về hình thức dạy và học trực tuyến, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, thực tế việc tổ chức dạy và học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn như điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau (nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn) nên khó áp dụng đồng bộ; khó khăn cho phụ huynh trong việc quản lí, hỗ trợ, đồng hành cùng các con, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi cũng như hiệu quả và tác động của việc dạy và học trực tuyến đối với tâm - sinh lí học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, hình thức dạy và học này là phù hợp nhất, an toàn nhất cho các cháu và cả với giáo viên.

Giải tỏa được những lo lắng….

Mặc dù hầu hết các bậc phụ huynh tại Đà Nẵng đều đồng thuận với hình thức dạy và học trực tuyến của ngành Giáo dục địa phương hiện nay, song nhiều phụ huynh vẫn lo lắng cho việc học tập của con em mình. “Các cháu ở những lớp bé, nhất là lớp 1 thì việc học trực tuyến rất khó khăn, bởi tuối này các cháu thường hiếu động, ham chơi nên không thể ngồi yên trước màn hình máy tính để học nếu phụ huynh không kèm cặp. Trong khi không phải phụ huynh nào cũng có thời gian, điều kiện để kèm sát các cháu. Đó là chưa nói các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy điện thoại, các cháu hoàn toàn không biết sử dụng mà chỉ có người lớn mới giúp được các cháu “vào lớp”. Ngoài ra, nhiều phụ huynh gia đình còn khó khăn nên việc mua máy tính hay điện thoại thông minh cho các cháu học cũng là điều đáng nói”- ông Hồ Thanh Hải (quận Thanh Khê) chia sẻ.

Cùng với những lo lắng về sự khó nhập cuộc do độ tuổi, hoàn cảnh, ứng dụng và sử dụng các thiết bị học tập, không ít các phụ huynh tại Đà Nẵng cũng cho rằng, hình thức học trực tuyến sẽ không bằng học trực tiếp, nhất là quá trình giao tiếp, tiếp xúc và bày tỏ ý kiến trước thầy cô, bạn bè cùng lớp. Ngoài ra, một điều đặc biệt trong thời gian đầu năm học mới này là do dịch bệnh, TP thực hiện giãn cách nên học sinh thiếu sách vở để học. “Không có sách giáo khoa (SGK) thì các cháu không thể học được. Phụ huynh không thể mua sách cho các cháu được bởi không có nhà sách nào mở cửa”- ông Nguyễn Viết Thành (nhà ở đường Trường Chinh, quận Liên Chiểu) cho biết.

 Mặc dù học trực tuyến nhưng các trường học tại Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng đảm bảo cơ sở vật chất để đón học sinh đến trường học trực tiếp khi dịch COVID-19 được khống chế.

Tuy nhiên, các lo lắng kể trên ngay khi những ngày đầu năm học mới vừa tổ chức, ngành GD&ĐT TP Đà Nẵng đã từng bước tháo gỡ thông qua việc tham mưu lãnh đạo TP chỉ đạo chính quyền các cấp, nhất là cấp phường xã hỗ trợ cho học sinh. Sở cũng có công văn số 2681/SGDĐT-VP ngày 11/9/2021 gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện đề nghị quan tâm, chỉ đạo việc hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo điều kiện dạy học trong tình hình hiện nay, nhất là việc học trực tuyến.

Cạnh đó, Sở GD&ĐT TP cũng có văn bản giới thiệu chương trình “Dạy Tiếng Việt lớp 1” trên Đài PTTH Đà Nẵng và chỉ đạo các trường phối hợp với cha mẹ học sinh triển khai giải pháp học tập qua truyền hình. Đặc biệt, từ ngày 12/9/2021 UBND TP Đà Nẵng đã cho phép các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, cơ sở phát hành xuất bản phẩm được hoạt động trở lại nhằm cung cấp sách giáo khoa cho học sinh.

Trước đó, để đảm bảo yêu cầu học tập của học sinh trong điều kiện học trực tuyến, ngành GD&ĐT TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp SGK điện từ cho học sinh; đồng thời yêu cầu các trường lưu ý trong thời gian 02 tuần đầu sau khai giảng, việc dạy học trực tuyến chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ nên học sinh vẫn sử dụng SGK của năm học trước, chưa cần đến SGK mới; sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen để bước đầu tiếp cận SGK điện tử qua các địa chỉ website đã được giới thiệu từ đầu tháng 8/2021 (như https://hanhtrangso.nxbgd.vn).

Ngoài những nỗ lực trên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành, ngay sau khai giảng, Sở GD&ĐT TP đã nhận thức dạy và học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo. Vì thế, ngày 23/8/2021, Sở đã ban hành Công văn số 2478/SGDĐT-GDTrH về tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học, xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 02 tuần), việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, SGK, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ. “Thời gian này giúp cả thầy và trò làm quen với việc dạy – học trực tuyến. Sau đó, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT”- ông Thành cho hay.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn TP khảo sát tình hình học sinh về SGK, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến…. để có kế hoạch hỗ trợ cũng như báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực