Kon Tum chủ động triển khai năm học mới trong điều kiện dịch bệnh

Thứ năm, 16/09/2021 23:59
(ĐCSVN) – Bước vào năm học mới 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Kon Tum đã có sự chủ động để triển khai công tác dạy và học phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương đang có dịch COVID-19.

Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã triển khai năm học mới đảm bảo đúng kế hoạch thời gian và yêu cầu năm học đặt ra

Dạy và học trực tuyến lẫn trực tiếp

Trước diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã thống nhất tổ chức nhiều mô hình dạy và học, trong đó chủ yếu là dạy học trực tuyến và trực tiếp hoặc cả 2 hình thức tùy thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi cơ sở giáo dục ở mỗi địa phương.

Trên cơ sở các phương án tổ chức dạy học đã được chuẩn bị trước, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum đã chính thức tiến hành tổ chức dạy và học năm học mới 2021-2022 từ ngày 06/9/2021.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, hình thức dạy và học trực tiếp chỉ áp dụng đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) có đủ điều kiện bố trí ăn ở và quản lý học sinh trong công tác phòng, chống địch bệnh COVID-19. Theo đó hiện nay, tất cả 100% các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đều dạy học trực tiếp tại trường.

Ngoài ra, tại các xã vùng khó khăn, do điều kiện dịch bệnh, các trường ở đây sẽ phân công giáo viên, các tình nguyện viên tổ chức các lớp học theo nhóm với hình thức trực tiếp, giúp học sinh đảm bảo yêu cầu lên lớp để học tập.

Trong khi đó, bằng hình thức dạy và học trực tuyến, tỉnh Kon Tum đang áp dụng đối với các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Với các hình thức dạy và học này, tùy điều kiện sẽ tổ chức thành lớp hay nhóm để phù hợp cho việc dạy và học trực tuyến. Cụ thể, trên cơ sở sau khi cha mẹ học sinh đăng ký và xem xét đảm bảo các điều kiện học tập trực tuyến, các trường sẽ đưa ra biên chế của từng lớp. 

Về nền tảng công nghệ cho để tổ chức học trực tuyến, theo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, đơn vị này đã chủ động cấp tài khoản dạy học trực tuyến Office 365 thống nhất cho toàn thể nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên học sinh từ trước nên thuận lợi cho việc triển khai dạy học trực tuyến.

“Việc tổ chức hình thức học tập trực tuyến đối với những học sinh không có đủ điều kiện để tham gia các lớp học theo hình thức này cũng được ngành GD&ĐT tỉnh này đặt ra để chủ động triển khai. Trong đó, với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và có sự hỗ trợ của các tổ tình nguyện hoặc khai thác các kênh học tập trực tuyến từ Đài Truyền hình VTV7, các trang website hỗ trợ học tập và các phần mềm bổ trợ dạy, học khác được địa phương khai thác triệt để. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại của tuần thứ 2 trong năm học mới 2021-2022, Kon Tum đã có 18.265/65.000 học sinh cấp tiểu học đang học trực tuyến (chiếm 28,1%); cấp THCS có 13.090/42.500 học sinh (chiếm 30,8%); cấp THPT có 11.711/16.134 học sinh (chiếm 72,6%).

Tuỳ điều kiện mà các trường học, cơ sở giáo dục tại Kon Tum tổ chức hình thức dạy và học phù hợp

Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng thống kê, qua tuần đầu tiên của năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 100% các cơ sở giáo dục giáo dục phổ thông đã triển khai dạy học bằng các hình thức trực tiếp hay trực tuyến hoặc áp dụng cả 02 hình thức kể trên.

Trong đó, bậc học mầm non do mới là tuần đầu tiên là tuần chưa bắt buộc đối với bậc giáo dục này nên chỉ có 4/10 phòng GD&ĐT các huyện, thành phố (TP Kon Tum, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, laH’Drai) triển khai cho trẻ mầm non 4-5 tuổi tham gia học tập.

Số trẻ được tham gia học trực tiếp là 4.520/16.408 trẻ, tỷ lệ 27,5% (gồm TP Kon Tum: Số trẻ học trực tiếp 1.373/9.130 trẻ, tỷ lệ 15,03%; huyện Sa Thầy: Số trẻ học trực tiếp 1.172/3.984 trẻ, tỷ lệ 29,4%; huyện Tu Mơ Rông: Số trẻ học trực tiếp 1.717/2.320 trẻ, tỷ lệ 74%; laH’Drai: Số trẻ học trực tiếp 258/974 trẻ, tỷ lệ 26,4%).

Với bậc Tiểu học, THCS: đã có 04/148 trường tiểu học, 03/111 trường THCS và 7/27 trường THPT dạy học trực tuyến 100% cho học sinh; số trường còn lại triển khai phối hợp giữa nhiều hình thức khác nhau. Số học sinh được học ở các hình thức là 99,4% ở cấp tiểu học, THCS và 99,63 % ở cấp THPT.

Khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi

Cho biết về những thuận lợi và khó khăn ban đầu của tuần đầu tiên năm học mới 2021-2022, bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum chia sẻ: Cả 2 mặt thuận lợi và khó khăn đều đã bộc lộ, trên cơ sở đó ngành GD&ĐT tỉnh sẽ có những chỉ đạo mới để phát huy mặt thuận lợi, tập trung khắc phục các khó khăn để đưa năm học mới 2021-2022 đạt kết quả như mong muốn.

Trong đó, về thuận lợi nổi lên những vấn đề đáng lưu ý như: Phần lớn các cơ sở giáo dục đều chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh theo chỉ đạo của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch thời gian năm học; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt thực hiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương.

Đồng thời với thuận lợi trên, chính quyển và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương đã vào cuộc, quan tâm hỗ trợ, nhanh chóng thiết lập các điểm dạy học tại các thôn, làng kịp thời để các hoạt động dạy và học diễn ra đảm bảo tiến độ và yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã chủ động cấp tài khoản dạy học trực tuyến Office 365 cho toàn thể nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên học sinh từ trước nên thuận lợi cho việc triển khai dạy học trực tuyến.

Dạy học theo nhóm ở xã vùng khó khăn không có điều kiện học online của tỉnh Kon Tum

Tuy nhiên, đã có không ít khó khăn ngay từ năm học đáng quan tâm như: Đối với phương án dạy học trực tuyến, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình của các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng công nghệ số chưa đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến, vì vậy tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến thấp.

“Nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình. Mặt khác, các phụ huynh  hằng ngày còn phải đi làm, không có thời gian để quản lý việc học của các em ở nhà. Đặc biệt, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học của một bộ phận giáo viên và học sinh còn hạn chế, nhất là việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả”- bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho hay.

Ngoài những khó khăn trên, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng chia sẻ: Với các học sinh lớp 1, do lần đầu tiên được học trực tuyến nên giáo viên phải dành rất nhiều thời gian đề hỗ trợ các cháu. Trong khi đó, việc bối trí thời gian dạy học cũng khó đáp ứng mọi yêu cầu do nếu dạy trong khung giờ hành chính thì học sinh không tập trung vào học tập (lý do đa số không có cha mẹ, người lớn ở nhà đồng hành cùng con). Còn nếu dạy vào buổi tối thì nhiều cha mẹ phụ huynh không đồng thuận vì cho rằng đây là thời gian dành cho hoạt động vui chơi của các con.

Đối với phương thức dạy học có hướng dẫn, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến phương án tổ chức dạy học này, các thôn làng không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất như: bàn, ghế, phòng học...; không gian học bó hẹp, ồn ào, nhiều người qua lại học sinh mất tập trung./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực