Long An: Hiệu quả tích cực từ đào tạo nghề cho người lao động xuất khẩu

Thứ tư, 07/07/2021 21:58
(ĐCSVN) - Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, tỉnh Long An đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.
leftcenterrightdel

Trường Cao đẳng nghề Long An - nơi đào tạo các học viên có tay nghề đủ điều kiện xuất khẩu lao động. (Ảnh: Kim Ngọc)

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí là cửa ngõ nối liền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là địa phương có nguồn lao động khá lớn với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Vì vậy, đối với công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, tỉnh Long An đã xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng việc truyền nghề và tạo việc làm ngay tại địa phương hoặc đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các giải pháp này đã góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Long An, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững cho lao động sau học nghề, tỉnh Long An đặc biệt chú ý việc tổ chức đào tạo trên cơ sở nhu cầu học nghề của người lao động, định hướng phát triển ngành nghề ở địa phương.

Xác định mục tiêu đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, dư thừa lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi, những năm qua Long An luôn chú trọng đào tạo nghề, xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Thực tế cho thấy, để giảm nghèo một cách bền vững ở nông thôn thì vấn đề cơ bản nhất là tạo việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định. Xác định rõ những yếu tố đó, tỉnh Long An đã có các giải pháp cụ thể trong giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là thời điểm nông nhàn. Đặc biệt, để công tác XKLĐ đạt hiệu quả, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín thực hiện tư vấn, tuyển lao động và lựa chọn thị trường có việc làm, thu nhập ổn định để đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định về XKLĐ, khắc phục những vi phạm, bảo vệ lợi ích người lao động và doanh nghiệp…

Được biết, lực lượng lao động dồi dào nhất của Long An chủ yếu tập trung ở nông thôn. Trước đây, người dân muốn tìm kiếm việc làm để cải thiện cuộc sống phải tìm đến các địa phương khác làm thuê, do không có trình độ, tay nghề nên thù lao thấp và không ổn định. Từ thực tế đó, Long An đã xác định đào tạo nghề cho lao động là cách thức hiệu quả để nâng cao tay nghề cho người lao động khi tham gia XKLĐ và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, để đạt kết quả trong công tác XKLĐ, các cấp chính quyền, địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, phát tờ rơi, in những thông tin cần thiết về công tác XKLĐ.

leftcenterrightdel

Nhiều lao động ở Long An xuất khẩu sang lao động tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). (Ảnh: Tâm Đức)

Có thể thấy, công tác xuất khẩu lao động được tỉnh Long An xem là một trong những giải pháp lớn trong thực hiện chương trình trọng điểm giải quyết việc làm - giảm nghèo ở địa phương. Nhiều lao động sau khi về nước đã tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và một phần vốn cho bản thân để tự tạo việc làm cho mình và nhiều lao động khác.

Anh Nguyễn Tấn Phước cư trú tại xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa đi lao động ngành cơ khí tại Nhật Bản năm 2004. Sau nhiều năm làm việc ở Nhật Bản, anh vừa tích lũy kinh nghiệm làm việc, vừa có bằng N3 tiếng Nhật. Nhờ sự nỗ lực vừa học vừa làm, khi về nước, anh Phước đã xin vào làm việc cho một công ty nước ngoài tại quê hương với mức thu nhập cao.

Ở Long An, đối tượng có thể tham gia Đề án xuất khẩu lao động rất đa dạng, đó là sinh viên trung cấp, cao đẳng nghề, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, lao động tham gia sàn giao dịch việc làm, đối tượng là đoàn viên thanh niên, sinh viên sau khi ra trường, bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp trong độ tuổi phù hợp...Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, thị trường xuất khẩu lao động của tỉnh này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khác.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại cho hay, chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được triển khai từ năm 2004 đến nay. Qua các năm, lượng người tham gia xuất khẩu lao động gần đây có chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn năm trước.

Hiện, Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Long An triển khai thực hiện, nhằm giải quyết những khó khăn trên, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu được đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh việc đào tạo nâng cao tay nghề cho lao người lao động đi XKLĐ, Long An đã phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tư vấn trực tiếp tại các cơ sở; phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền theo chủ đề về dạy nghề, chú trọng giới thiệu việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp trong tỉnh, tìm kiếm các doanh nghiệp có việc làm ổn định để tư vấn. Việc đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và XKLĐ là một trong những giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Những lao động này, sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành những nhân tố tích cực trong đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./..

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực