Quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018

Thứ sáu, 23/09/2022 16:55
(ĐCSVN) - Khảo sát công tác thực hiện chương trình GDPT năm 2018 tại quận Ba Đình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đề nghị ngành GD&ĐT quận tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Ngày 22/9, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cùng đoàn công tác tới thăm, khảo sát công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 tại quận Ba Đình.

 Đoàn công tác thăm, khảo sát tại trường THCS Phúc Xá, Ba Đình (Ảnh: PV)

Trong khuôn khổ hoạt động thăm và khảo sát tại Trường THCS Phúc Xá, Hiệu trưởng nhà trường Cấn Việt Thắng cho biết, năm học 2022 -2023 nhà trường có 331 học sinh với 15 lớp, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường là 37 người, trong đó hơn 70% giáo viên đạt chuẩn. Triển khai thực hiện chương trình GDPT năm 2018, Trường THCS Phúc Xá đã chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy chương trình lớp 6 và 7. Trong đó, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch sắp xếp đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới. Đặc biệt, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Nhà trường đã được UBND quận đầu tư cải tạo đồng bộ nhà trường để phục vụ, đáp ứng được các yêu cầu năm học 2022-2023. Nhà trường cũng đã sắp xếp bố trí để giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do Sở và Phòng GD&ĐT triển khai đặc biệt là chương trình tập huấn triển khai SGK với khối lớp 7 thực hiện trong năm học 2022-2023.

Cụ thể, năm học 2022 -2023, Trường THCS Phúc Xá lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức. Theo đó, với môn Khoa học tự nhiên phân công các giáo viên đảm nhiệm nội dung theo chương trình (một giáo viên đảm nhiệm cả 3 phân môn Lý, Hoá, Sinh) được bồi dưỡng các khóa tập huấn. Đối với bộ môn Lịch sử - Địa lý vẫn thực hiện theo phân môn riêng.

Dịp này, Hiệu trưởng Cấn Văn Thắng cũng đề nghị với Sở GD&ĐT, UBND quận Ba Đình đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây trường mới để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong phường có một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của quận nói chung và địa phương nói riêng. Đồng thời, có hướng dẫn về cơ chế bồi dưỡng cấp chứng chỉ đội ngũ giáo viên đáp ứng theo yêu cầu dạy học bộ môn đặc biệt các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Báo cáo với đoàn công tác của Sở, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, toàn quận hiện có 14 trường THCS với tổng số 439 lớp, 17.941 học sinh. Trong đó, 3.914 học sinh lớp 6. Với đội ngũ 945 người gồm 33 cán bộ quản lý, 756 giáo viên, 12 tổng phụ trách, 144 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chuẩn 700 người đạt tỷ lệ 93% (28% đạt trình độ trên chuẩn). Hiện còn 56 giáo viên chưa đạt chuẩn đang được quận đưa vào lộ trình nâng chuẩn, hoàn thành trước năm 2025. Tổng số giáo viên được phân công dạy lớp 6 là 157 người.

Hiện, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy học lớp 6. Trong đó, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến thăm một giờ học tin học của các em học sinh trường THCS Phúc Xá, Ba Đình (Ảnh: PV)

Ngành GD&ĐT quận Ba Đình nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT 2018. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường thực hiện rà soát, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học.

Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận, được sự chỉ đạo của Thường trực Quận ủy Ba Đình, Ban Tuyên giáo Quận ủy phối hợp Phòng GDĐT biên soạn “Tài liệu Lịch sử quận Ba Đình” để giảng dạy trong các trường THCS của quận (1 tiết/năm học).  Để triển khai tốt chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục quận tăng cường chuyển đổi số trong quản ly, chỉ đạo điều hành. Đồng thời, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Bên cạnh đó, các Nhà trường dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày kết quả học tập của mình. Ngoài ra, giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Đặc biệt, "Tiếp tục triển khai các mô hình điểm, cụ thể: Chuyển đổi số, Trường học hạnh phúc, Trường học “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Thân thiện”, Trường học thông minh"- ông Lê Đức Thuận nói. 

Qua hoạt động thăm và khảo sát tại địa bàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả năm học 2021-2022 mà ngành Giáo dục Ba Đình đạt được. Trong đó, triển khai thực hiện tốt chương trình GDPT 2018, được Sở GD&ĐT đánh giá 13/13 lĩnh vực công tác xếp loại Xuất sắc, xếp hạng 3/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố (tăng 03 bậc so với năm học trước). Ông Phạm Xuân Tiến đề nghị ngành GD&ĐT quận Ba Đình tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cần được đặc biệt chú trọng; có đánh giá chất lượng đầu ra để phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời những vấn đề cần thiết tác động tiêu cực tới chất lượng tập huấn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý ngành GD&ĐT quận Ba Đình quan tâm triển khai một số nhiệm vụ khác trong thời gian tới như tiếp tục quán triệt đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản chỉ đạo/hướng dẫn của Bộ, Sở. Quan tâm đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới công tác quản trị trường học, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực