Thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 26/07/2022 15:30
(ĐCSVN) - Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía Nam, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xác định vùng trọng tâm hợp tác liên kết và phục vụ là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhiệm vụ chiến lược quốc gia, gắn liền với sứ mệnh phát triển Đồng bằng sông Cửu Long của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) vừa tổ chức tọa đàm “Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và vai trò của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

 Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Cao Tân)

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía Nam, ĐHQG-HCM xác định vùng trọng tâm hợp tác liên kết và phục vụ là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là nhiệm vụ chiến lược quốc gia, gắn liền với sứ mệnh phát triển ĐBSCL của ĐHQG-HCM được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục.

Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, từ khi tiếp nhận Trường ĐH An Giang đến nay, ĐHQG-HCM cùng trường đại học này đã thành lập Viện Biến đổi khí hậu nhằm nghiên cứu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Đồng thời, Trường ĐH An Giang còn gắn liền với hai dự án quốc tế của ĐHQG-HCM là dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ hơn 9 triệu USD và dự án về giống cây trồng và thủy hải sản do chính phủ Úc tài trợ.

Tuy nhiên, một nghịch lý đặt ra là, điểm chuẩn tuyển sinh các ngành nông nghiệp tại trường đại học này chỉ tầm 14-16 điểm. Trường ĐH An Giang cũng không có khu đất thực hành thí nghiệm về nông nghiệp.

“Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL là các em học sinh chưa xem nông nghiệp là lựa chọn ưu tiên của mình. Chúng ta đang thiếu hụt một đội ngũ chuyên gia đủ tầm để nghiên cứu và phát triển nông nghiệp” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, cho biết bản thân rất vui mừng vì trong định hướng triển khai Chỉ thị 10 của Thủ tướng, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cao. Nhưng nếu việc đào tạo này chỉ dừng lại ở các khóa bồi dưỡng thì chưa đủ.

“Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cần tiếp cận theo hai hướng kỹ thuật và quản lý. Mỗi hướng đào tạo này sẽ có cách thiết kế chương trình khác nhau, phù hợp với nhu cầu của đối tượng và đảm bảo bám sát thực tiễn hơn” - ông Đinh Minh Hiệp nói.

PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM, cho rằng hiện nay quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không có chế độ hỗ trợ cho việc đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.

“Quy chế đào tạo sau đại học không cho phép việc mở lớp đào tạo ngoài cơ sở. Nếu nhân lực từ ĐBSCL lên thành phố học sẽ không đủ sức cạnh tranh với các học viên tại đây. Trái lại, nếu xuống tận nơi để mở lớp đào tạo thì vi phạm quy chế. Chưa kể đến các em học sinh ĐBSCL lên thành phố học thường có xu hướng ở lại làm việc thay vì trở về quê nhà. Do đó, chúng ta chuyển giao khoa học công nghệ nhưng nhân lực không có để tiếp thu thì rất khó để phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Quan phân tích.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, thống kê trong 3 năm gần nhất cho thấy lượng tuyển sinh ở các trường đại học có đào tạo ngành nông nghiệp đều giảm 35%.

PGS.TS Võ Văn Thắng cho biết điều này có thể lý giải do cơ hội việc làm với mức lương khá ở các ngành này rất thấp. Sinh viên học xong không thể ra làm nông như cha mẹ mình. Đó là chưa kể đến sức hút của các ngành công nghệ, kinh tế.

“Chúng ta có đào tạo về nông nghiệp nhưng thiếu những chuyên gia đầu ngành. Hơn hết, việc xây dựng chương trình đào tạo cần phải theo chuẩn nghề nghiệp, tức là các em có thể tổ chức sản xuất, tổ chức kinh doanh chứ không thể đào tạo xong để các em làm việc chân tay như người nông dân” - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình "hóa rồng" của miền Tây Nam Bộ là "điểm nghẽn" về nhân lực mà trong thời gian tới các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ. Do đó, các ý kiến thảo luận tại tọa đàm sẽ được ĐHQG-HCM tổng hợp thành văn bản báo cáo với chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Từ kết quả tọa đàm này, ĐHQG-HCM đề xuất các chính sách, mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ để góp phần phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới theo tinh thần Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

ĐBSCL đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản.
PV(T/H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực