Tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Thứ hai, 06/09/2021 10:57
(ĐCSVN) - Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đối với vùng dân tộc thiểu số, giáo dục và đào tạo là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”.
Trường Tiểu học và THCS xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sẵn sàng cho năm học mới 

Nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Nổi bật là: Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 2/10/2015 có quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định 116/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người…

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được Nhà nước đảm bảo chi phí ăn, ở, học tập. Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người DTTS đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hưởng 9 tháng/năm, được hỗ trợ tiền nhà ở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở, 9 tháng/năm.

Nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy mô, mạng lưới trường lớp vùng DTTS được củng cố và phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, toàn vùng DTTS và miền núi có 5.766 trường mầm non; 100% trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Tất cả các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Giáo dục phổ thông đạt được nhiều thành tựu quan trọng: 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh đã đạt chuẩn mức độ 3. Đến tháng 12/2016, 100% tỉnh và huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%, trung học cơ sở là 92,27%, trung học phổ thông là 63,03%. Tỷ lệ học sinh từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 89,46%.

Chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường. Học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong nhóm chỉ tiêu về “Dân trí, phát triển nguồn nhân lực” tại Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 thì chỉ tiêu “trẻ em trong độ tuổi được đến trường đạt 97%” được xếp vào nhóm đạt và vượt mục tiêu đề ra; đồng thời công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở của Việt Nam là thành tựu nổi bật được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế.

Ưu tiên phát triển mô hình giáo dục chuyên biệt

Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường dự bị đại học là loại trường chuyên biệt, thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nhân lực có trình độ để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vùng DTTS và miền núi nói riêng, cả nước nói chung.

Hiện nay, cả nước có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố, gồm 59 trường tỉnh và 256 trường huyện, với gần 110 nghìn học sinh; khoảng 40% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện Đề án củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, các tỉnh, thành phố đã nâng cấp được 935 phòng học thông thường và bộ môn; 631 phòng phục vụ học tập, giáo dục; 2.875 phòng nội trú, 219 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh…

Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Trong số 6.000 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, có trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 30% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Hệ thống 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô gần 186 nghìn học sinh. 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%.

Cả nước hiện có 4 trường dự bị đại học, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuốc các trường đại học. Mạng lưới các trường dự bị đại học đào tạo hơn 5.000 học sinh/năm, tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với hệ cử tuyển, hiện đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển. Một số DTTS có học sinh được cử tuyển nhiều như: Thái, Mông, Khmer, Dao… Trong 10 năm từ 2011 - 2019, đã cử tuyển 8.681 học sinh. 36,15% số sinh viên tốt nghiệp được bố trí việc làm.

Với những kết quả đó, hệ thống các trường chuyên biệt vùng DTTS đã từng bước khẳng định ưu điểm, ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta.

Cần tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đạo tạo ở vùng DTTS và miền núi

Trong báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc cho rằng, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS và miền núi đang còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Theo kết quả điều tra thực trạng lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi thấp hơn so với cả nước (tiểu học 97%, trung học cơ sở 81,8%, trung học phổ thông 47%). Một số dân tộc: Brâu, Xtiêng, Gia Rai, Mạ, M’nông, Lô Lô có tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bình quân ở mức dưới 60%.

Tỷ lệ người DTTS 15 tuổi trở lên chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt còn khoảng 19,1% (tương đương 1,89 triệu người). Các dân tộc: Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ.

Trước hiện trạng này, trong dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các Bộ ngành Trung ương và các địa phương sẽ quy hoạch phát triển hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú. Quan tâm quy hoạch, đầu tư hệ thống trường dự bị đại học dân tộc ở 3 vùng: Trung du, miền núi phía Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Khẩn trương triển khai đào tạo hệ dự bị đại học tại Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc để đào tạo đại học chuyên ngành bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm sản… cho vùng DTTS hiện đang còn thiếu nhân lực.

Đổi mới căn bản phương thức cử tuyển học sinh DTTS học đại học theo hướng: học sinh DTTS rất ít người, học sinh nhóm DTTS có tỷ lệ tốt nghiệp đại học/dân số dưới 1% phải trải qua học dự bị đại học hệ 1 năm hoặc 2 năm để đạt mặt bằng kiến thức chung trước khi học đại học, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, làm cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi.

Bên cạnh đó, gia tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng phòng học các cấp, phấn đấu đạt 95% phòng học hệ phổ thông ở vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được kiên cố hóa.

Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện đã được đưa vào Dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong Dự án này, có tiểu dự án: “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”. Đây được xem là giải pháp căn cơ, với nguồn lực được đảm bảo từ ngân sách nhà nước để thúc đẩy giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi phát triển lên tầm cao mới trong 10 năm tiếp theo; tạo cơ hội để có nhiều hơn nữa học sinh người DTTS được bảo đảm điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn./.

Bài và ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực