Chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ bảy, 05/02/2022 19:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - “Với quan điểm vì nhân dân phục vụ, vì sự sống của bệnh nhân, chúng tôi đã nỗ lực gấp nhiều lần, đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm của mình bản thân tôi luôn chủ động, tiên phong đi trước trong tất cả các công việc chuyên môn; đồng thời thường xuyên động viên tinh thần cho đồng nghiệp trong khoa, phát huy sức mạnh tập thể, chung sức, đồng lòng cùng các cấp, các ngành toàn TP đẩy lùi dịch bệnh”.
 Bác sỹ Chuyên khoa II, Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện Thống Nhất Nguyễn Duy Cường (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Đó là chia sẻ của Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) khi nhớ lại thời điểm dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn ra khốc liệt tại TP Hồ Chí Minh. Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Duy Cường cũng là một trong số những cán bộ, đảng viên tình nguyện xung phong tham gia hỗ trợ thêm cho Khoa Dã chiến của Bệnh viện Thống Nhất. Giữa tháng 8/2021, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình được thành lập anh Cường nhận nhiệm vụ phụ trách khu bệnh nặng.

Nỗ lực hơn vì sự sống của bệnh nhân

Bác sỹ Cường chia sẻ: Trải qua khoảng thời gian khó khăn của Thành phố, của người dân và nhất là đội ngũ y bác sỹ tại thời điểm TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19, đến giờ có lẽ đội ngũ y, bác sỹ và rất nhiều người dân không còn muốn nghĩ hay nhắc đến những chuyện đáng buồn đã xảy ra. Hệ thống y tế đều quá tải. Ban đầu bệnh viện Thống Nhất chỉ đưa ra mô hình 200 giường hồi sức và 50 giường bệnh nặng, thế nhưng khi ra thực tế, áp lực bệnh nhân rất đông, chỉ trong hai tuần lễ đầu gần như kín tất cả các giường bệnh; nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, một ca trực chỉ có 4 điều dưỡng chăm sóc trên 100 bệnh nhân. Thời điểm đó thực sự áp lực với đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế và lãnh đạo Khoa cũng là những người lăn xả để thực hiện điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, áp lực làm sao để không bị nhiễm bệnh cũng rất nặng nề, ngoài việc đã được tập huấn kỹ về công tác bảo hộ trước khi tham gia công tác chữa trị tại Bệnh viện dã chiến thì bản thân mỗi y, bác sỹ cũng phải tự mình phòng bệnh.

Vượt qua những khó khăn ban đầu đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã nỗ lực hết mình thực hiện tốt công tác điều trị, đồng thời là chỗ dựa cho bệnh nhân.

“Với quan điểm vì nhân dân phục vụ, vì sự sống của bệnh nhân, chúng tôi đã nỗ lực gấp nhiều lần, đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm của mình bản thân tôi luôn chủ động, tiên phong đi trước trong tất cả các công việc chuyên môn; đồng thời thường xuyên động viên tinh thần cho đồng nghiệp trong khoa, phát huy sức mạnh tập thể, chung sức, đồng lòng cùng các cấp, các ngành toàn TP đẩy lùi dịch bệnh”. Bác sỹ Cường tâm sự.

 Với bác sỹ Cường và các đồng nghiệp, niềm vui của họ là được tiễn người bệnh trở về bên gia đình, người thân sau thời gian điều trị (Bác sỹ Cường thứ nhất từ trái qua) (Ảnh: NVCC)

Bác sỹ Cường nhớ lại: Thời điểm khi mà người dân đa phần chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, mức độ diễn tiến nặng do COVID gây ra rất trầm trọng, số lượng bệnh nhân nhập viện trở nặng tăng, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn ở mức cao, các bác sỹ phải chứng kiến cảnh bệnh nhân rời khỏi tầm tay của mình, đó là những điều thực sự đau xót với chúng tôi. Là người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, trong một vài thời điểm tôi cũng cảm thấy “sốc”, bởi vậy,  một số bác sỹ, nhân viên y tế trẻ thời điểm đó gặp áp lực rất lớn cũng là điều dễ hiểu. Khi công việc cuốn đi sẽ không ai nghĩ đến, nhưng sau đó khi trở về thì họ sẽ suy nghĩ, sẽ buồn, nhiều người bỏ ăn, mất ngủ…

Những lúc như vậy, Bác sỹ Cường không đặt mình là lãnh đạo Khoa, mà anh luôn coi mình là người anh, người đồng nghiệp, người đảng viên có nhiều kinh nghiệm để động viên, trấn an những nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia vào thực hiện nhiệm vụ này. “Tôi trấn an các em rằng trong cuộc đời này, thực sự chúng ta khi đứng ở vị trí này, không ai mong muốn có lần thứ hai phải chứng kiến dịch bệnh, chúng ta không muốn con cháu chúng ta phải chứng kiến những điều tương tự. Bởi vậy, chúng ta phải bằng mọi giá chấm dứt dịch bệnh này. Mỗi người cần phải đứng ở khía cạnh là một người nhân viên y tế, phải gạt lại nỗi đau, để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân tử vong để chia sẻ cho người nhà và rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân tử vong đó, không để xảy ra với người bệnh thứ hai, thứ ba… Mỗi bệnh nhân tử vong là một bài học suốt đời cho mình, bởi vậy với trách nhiệm của mình mỗi người cần phải vượt qua những tâm trạng ban đầu để nỗ lực nhiều hơn trong công tác điều trị cho bệnh nhân”.

Sự quan tâm, động viên kịp thời ấy đã khiến tinh thần của các y bác sỹ trẻ, các tình nguyện viên đã tốt hơn, việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân được thực hiện tốt hơn. Nhiều bạn đã bỏ cả thời gian nghỉ của mình để nói chuyện, chia sẻ, chăm sóc cho bệnh nhân… chỉ trong cuộc chiến này, trong thời khắc sinh tử xảy ra, chúng ta mới nhận thấy tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Hình ảnh những bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, nhất là những bệnh nhân chuyển biến nặng rạng rỡ trong ngày được xuất viện, trở về bên gia đình và người thân; hay những cái bắt tay, những lời cảm ơn đội ngũ y, bác sỹ điều trị là nguồn động viên vô cùng to lớn, tiếp thêm niềm tin để đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu tiếp tục trong hành trình dành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, ở cương vị Phó Bí thư Chi bộ Hô Hấp, Ung bướu, Lọc thận, bác sỹ Cường luôn hoàn thành tốt vai trò của mình. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo Chi bộ luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên trong Chi bộ; triển khai đầy đủ các nội dung, kế hoạch thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng… Đặc biệt, trong quá trình tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID đa tầng Tân Bình, Chi bộ luôn chú trọng đến việc phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để từ đó tạo môi trường rèn luyện và giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét kết nạp.

Phó Bí thư Chi bộ Nguyễn Duy Cường cho biết, trong thời gian qua Chi bộ đã kết nạp được 3 đảng viên mới. Đây là những đảng viên mới rất chất lượng, họ tham gia công tác điều trị, tham gia công tác phòng, chống dịch và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Theo anh Cường, trong khó khăn công tác phát triển đảng càng phát triển, và tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các đảng viên trong Chi bộ cũng được thể hiện rõ nét hơn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

 Anh Cường chia sẻ: May mắn của anh là luôn nhận được sự ủng hộ hết mực của bà xã và các con. Đây là nguồn động lực to lớn để anh làm tốt sứ mệnh cứu chữa người bệnh (Ảnh: NVCC)

Vững vàng hậu phương

Mạnh mẽ là thế, nhưng khi nói về gia đình, nói về hậu phương anh Cường vẫn trào dâng những niềm xúc động khó tả. Anh chia sẻ: Ngay thời điểm khi đợt dịch bệnh diễn ra từ năm 2019, do yêu cầu công việc, bác sỹ Cường và nhiều đồng nghiệp trong các khoa, phòng đã xung phong tình nguyện tham gia vào công tác phòng, chống dịch và luôn sẵn sàng lên đường khi Đảng ủy, Ban Giám đốc có lệnh.

“Trước đó tôi đã nói với gia đình, với vợ con cuộc chiến này tôi phải tham gia, mình làm được tới đâu sẽ làm tới đó, để người thân cũng sẵn sàng chấp nhận, chia sẻ, sẵn sàng chấp nhận mình có thể bị nhiễm bệnh… nhưng trong mọi hoàn cảnh cần phải lạc quan, tự tin để vượt qua. Sự quyết tâm đó của tôi nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của gia đình”. Anh Cường bộc bạch.

Nhiều tháng phải xa gia đình, không chỉ anh Cường mà đa số các đồng nghiệp của anh đều như vậy. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, anh Cường và các đồng nghiệp đều nhờ vào những cuộc gọi video call, những tin nhắn chúc mừng vào dịp Giáng sinh, tin nhắn chúc mừng năm mới, thậm chí cả những dòng tin nhắn trách nhẹ của các con… chính là những chia sẻ, là những động viên để bác sỹ Cường tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc của mình.

 “Một mùa xuân mới lại sang, những ngày Tết nhiều đồng nghiệp, nhiều tình nguyện viên thay vì chọn về nhà đoàn viên sẽ chọn ở lại thực hiện nhiệm vụ là cứu chữa cho bệnh nhân. Với chúng tôi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và chúng tôi hạnh phúc vì điều đó. Với mỗi thầy thuốc việc bệnh nhân khỏi bệnh trở về chính là mùa xuân rực rỡ nhất”- Anh Cường bày tỏ.

Chia sẻ về những mong muốn trong thời gian tới, bác sỹ Nguyễn Duy Cường cho biết: Có lẽ không chỉ riêng tôi mà đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đều mong bệnh viện dã chiến sớm giải thể, bác sỹ sẽ “thất nghiệp” tại đây. Như vậy có nghĩa là dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát và cuộc sống của người dân đã trở lại trạng thái bình thường.

Với 20 năm trong nghề, 15 năm công tác tại Khoa Hồi sức, 5 năm làm tại Khoa Hô hấp, bệnh viện Thống Nhất bác sỹ Cường vẫn luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của một bác sỹ, làm tốt vai trò trách nhiệm của một lãnh đạo khoa và trách nhiệm vủa một Phó bí thư Chi bộ./.

 

 

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực