Người cán bộ lãnh đạo tận tâm cống hiến vì sự phát triển Thủ đô

Thứ ba, 12/10/2021 20:01
(ĐCSVN) - Từ khi là Bí thư Đoàn phường đến khi giữ những cương vị quan trọng như Phó Chủ tịch UBND TP, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XV và XVI, công việc nào, nhiệm vụ nào đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng luôn hoàn thành xuất sắc. Dấu ấn đậm nét của đồng chí được các thế hệ lãnh đạo Hà Nội đánh giá là sâu sát, trách nhiệm với cơ sở, gần gũi, tận tụy với nhân dân, nhưng rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (áo xanh) thăm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. 

Khi nhắc đến đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI, rất nhiều người dân ở các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng… vẫn nhớ như in hình ảnh một cán bộ lãnh đạo cấp cao của thành phố nhưng luôn ân cần quan tâm, gần gũi với nhân dân mỗi lúc về với huyện, với xã. Không chỉ hỏi han tình hình chung chung mà đồng chí luôn hỏi những vấn đề rất cụ thể, nhất là những khó khăn, vướng mắc khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Nhiều người cho biết, huyện “nông thôn mới” của họ có được như hôm nay có vai trò đóng góp quan trọng của nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố, trong đó dấu ấn của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng là rất rõ nét.

Đúng thế! Khi Hà Nội triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với mốc mục tiêu cụ thể, không ít nơi, trong đó có cả người đứng đầu cho rằng sẽ khó khả thi. Chính vì sự “đủng đỉnh” ấy cho nên đến giữa năm 2016, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của các địa phương còn khá thấp.

Không thể ngồi im trước mục tiêu đưa ra mà cơ sở cứ kêu khó, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Có những cuộc họp, những buổi đi cơ sở kéo dài từ chiều đến tối muộn với nhiều biện pháp cứng rắn được đưa ra.

Không những thế, người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng được “cột” trách nhiệm với mốc tiến độ cụ thể và bị kiểm tra, đốc thúc liên tục từ thành phố. Vì vậy, đến giữa năm 2017, thành phố đã hoàn thành 98% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với hơn 611.000 giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra – một mục tiêu tưởng chừng không thể.

Vậy là nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã có thêm 10 huyện và 170 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố là 12/18 huyện và 368/382 xã, trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm nhấn của TP Hà Nội thời gian qua, với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khi là người “cầm trịch” chỉ đạo triển khai.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên lão thành quận Ba Đình. 

Từ 2004 – 2011, trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và điều hành chuỗi hoạt động quy mô lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng chí đã cùng thành phố triển khai và hoàn thành nhiều công trình, dự án của Thủ đô và đất nước ghi dấu ấn về sự kiện lịch sử này. Tiêu biểu là: tu sửa các di tích Thăng Long tứ trấn (gồm: Đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đền Kim Liên), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đình Nam Hương, đền Ngọc Sơn, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân…; xây dựng nhiều tượng đài có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật: tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Thánh Gióng, tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh…; xây dựng công viên Hòa Bình, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội tại Mỹ Đình… đều là những công trình có giá trị trường tồn, góp phần tạo nên diện mạo mới của Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng..., để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo và Trưởng đoàn công tác của Việt Nam bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã trực tiếp xây dựng hồ sơ đề cử để được UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới; Lễ hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đúng vào thời điểm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” với sự tham gia của hơn 300 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Thủ đô và đất nước thuộc các lĩnh vực; sau 02 giai đoạn thực hiện, đã xuất bản 137 bộ sách gồm 213 tập. Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, đồ sộ, phản ánh một cách hoàn chỉnh bộ mặt tinh thần của Thăng Long - Hà Nội trước đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

Lúc là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cùng với tập thể lãnh đạo có nhiều sáng kiến, giải pháp và trực tiếp chủ trì, tham mưu ban hành nhiều chương trình, đề án, chuyên đề, kế hoạch về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó dấu ấn trong Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Thành ủy về “Đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội từ nay đến năm 2020” đã tạo đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với tầm nhìn dài hạn, cách làm chủ động, bài bản, đúng quy định; đã đào tạo được 1.250 cán bộ nguồn công tác đảng, đoàn thể, công chức cấp xã bảo đảm chất lượng.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ năng hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý của thành phố; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”, đưa Hà Nội thành điểm sáng trong cả nước trong lĩnh vực này… Những đấu ấn của đồng chí góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

 Trước khi nghỉ hưu, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã tặng hơn 700 đầu sách gồm hơn 1.000 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực cho thư viện của Thành ủy  Hà Nội.

Với cương vị là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, là Thủ trưởng cơ quan Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã cùng với tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Trong đó, đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo củng cố cơ sở đảng yếu kém, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đặc biệt, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã giải quyết được nhiều việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ trong lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện bài bản, nên dù giảm hàng chục đầu mối đảng bộ trực thuộc Thành ủy, hàng trăm cán bộ lãnh đạo, hàng nghìn biên chế nhưng hầu hết đều rất đồng thuận, không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện.

Một điểm nhấn khác không thể không nhắc tới đó là việc chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng, tham mưu ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 8/11/2017 về Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16/5/2018 ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Với các văn bản đó đã đưa công tác đánh giá cán bộ của Hà Nội chuyển từ đánh giá theo tiêu chí định tính sang đánh giá theo tiêu chí định lượng, đánh giá đa chiều và thường xuyên. Điều này đã góp phần khắc phục tình trạng đánh giá chung chung, thiên về tích cực, né tránh các hạn chế, khuyết điểm, đảm bảo khách quan, công bằng, giúp nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cán bộ.

Có thể nói, trong 41 năm công tác, gần 20 năm liên tục giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Đồng chí còn có nhiều hoạt động phong phú, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực trong việc phát triển quan hệ hợp tác gắn bó với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết với Thủ đô và thành phố của nhiều nước trên thế giới.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (áo dài đỏ) vinh dự được tôn vinh là 1 trong 9 công dân Thủ đô ưu tú năm 2021.

Với những đóng góp quan trọng ấy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ như: 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; 3 Huân chương Lao động hạng Ba; được tặng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các bằng khen, danh hiệu thi đua các cấp thuộc Thành phố Hà Nội; được tặng nhiều kỷ niệm chương của các bộ, ngành Trung ương và Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”. Gần đây nhất, dịp kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ đô (10/10), đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã được vinh dự được tôn vinh là 1 trong 9 công dân Thủ đô ưu tú năm 2021…/.

Bài, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực