Người lính quân hàm xanh “gieo chữ” trên đảo Hòn Chuối

Thứ tư, 19/08/2020 18:35
Gần 10 năm lặng lẽ làm nhiệm vụ ươm mầm tri thức cho trẻ em nghèo trên đảo Hòn Chuối, Đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau đã gieo vào tâm hồn những đứa trẻ và người dân trên đảo một tình cảm đặc biệt.

Bằng tất cả tình thương, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình, Đại úy Trần Bình Phục đã để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh người lính Biên phòng nơi đầu sóng, ngọn gió trong lòng dân đảo Hòn Chuối.

leftcenterrightdel
Đại úy Trần Bình Phục uốn nắn từng nét chữ cho các em nhỏ trong lớp học của mình.
Ảnh: Kim Nhượng 

Tôi gặp Đại úy Trần Bình Phục trong một chuyến công tác ra đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Khi ấy, anh vừa trở về từ Thủ đô Hà Nội khi tham gia chương trình WeChoice Awards vinh danh 5 gương mặt Đại sứ truyền cảm hứng. Tôi không ngại lênh đênh gần 8 tiếng đồng hồ giữa mùa biển động với mong muốn được gặp anh. Trần Bình Phục đón tôi ngay cầu cảng của gành Nam đảo, đây là hòn đảo nằm cách đất liền 18 hải lý theo hướng Tây Tây Nam, hòn đảo rất hoang vu, đẹp đến lạ kì. Đại úy Trần Bình Phục nói: “Tiết học vừa kết thúc là tôi xuống một mạch để đón nhà báo”.

Trò chuyện hồi lâu, Trần Bình Phục tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đặt chân ra đảo là sau cơn bão Linda vào năm 1997, với sự tàn phá khủng khiếp làm cho tỉnh Cà Mau thiệt hại nặng nề, còn đảo Hòn Chuối khi ấy thì tiêu điều, nghèo xơ xác. Khi ra đảo, điều đầu tiên tôi bắt gặp, đó là những đứa trẻ đen nhẻm, trần truồng và tất cả đều không biết chữ. Ban chỉ huy đơn vị đã quyết định tiến hành mở lớp học tạm ngay trên đảo để giúp trẻ em nghèo ở đây biết mặt con chữ, một trong những người thầy được giao nhiệm vụ dạy học khi ấy là tôi”. Đại úy Trần Bình Phục mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh đơn sơ về hòn đảo mà anh đã có duyên gắn bó hơn chục năm nay.

Đến nay, Đại úy Trần Bình Phục đã có hơn 10 năm công tác và gắn bó với đảo Hòn Chuối. Với những thành tích nổi bật, Đại úy Trần Bình Phục đã nhận được 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2019), 4 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, (từ năm 2017 đến năm 2019), 2 Bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau (năm 2018, 2019), 3 Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP (năm 2018, 2019). Năm 2019, anh là cá nhân điển hình tiên tiến của BĐBP; năm 2020, là điển hình tiên tiến toàn quân và 5 năm liền (từ năm 2015 đến năm 2019), anh được Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Đảo Hòn Chuối có 54 hộ dân với gần 170 nhân khẩu, tất cả đều là hộ nghèo, có những gia đình cả 3 đời đều không biết chữ. Người dân ở đây sống bằng nghề câu nhỏ lẻ, cuộc sống của họ bấp bênh, quanh năm suốt tháng gắn với con cá, con mực. “Nhưng con người ta dù có phải đói ăn, đói mặc thì còn có thể khắc phục, vượt qua được, chứ đói tri thức mới thực sự là điều kinh khủng nhất” - Đại úy Phục bày tỏ. Chính vì lẽ đó, được sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ huy đồn, anh cùng đồng đội quyết tâm xây dựng một lớp học tình thương để dạy chữ cho lũ trẻ. Đều đặn mỗi ngày, anh đi xuống gành đón học trò, đếm đủ số lượng học sinh rồi dắt các em leo lên 303 bậc thang. Lớp học được dựng tạm bằng mấy thanh gỗ và vài miếng tôn cũ, ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa, thầy trò phải dắt nhau chạy để tránh mưa. Thế rồi, ròng rã suốt 1 năm trời, hàng trăm tấn vật liệu được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối nhận từ đất liền ra chân đảo, rồi từ chân đảo vác lên núi để làm trường, đôi vai của những người lính Biên phòng đảo Hòn Chuối cứ chai sần đi.

Tại lớp học của Đại úy Trần Bình Phục còn lưu truyền nhiều câu chuyện khá đặc biệt. Hiện nay, lớp học có 23 em với nhiều độ tuổi khác nhau và cũng nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong đó, có 4 em đã tốt nghiệp Đại học, ra trường có việc làm ổn định, đó là những tấm gương để các em còn lại noi theo. Lớp học của Đại úy Phục có một cô bé rất đặc biệt, tên là Đậu Yến Nhi. Yến Nhi bị nhiễm chất độc màu da cam. Lúc đầu mới sinh ra, em cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, xinh xắn, đáng yêu, nhưng dần dần cơ thể bị biến dạng. Yến Nhi không làm chủ được hành vi của mình, ngồi đâu xé quần áo đến đó, cũng không biết mình là ai. Mẹ của em đã tính đưa em lên thành phố Hồ Chí Minh rồi gửi vào làng trẻ mồ côi, nhưng anh trai của em cương quyết không đồng ý. Đại úy Trần Bình Phục để ý kỹ thấy cô bé thường hay cầm cuốn Kinh thánh, ê a đọc những từ trong đó. Bằng con mắt tinh tường của mình, Đại úy Phục đã dùng cách dạy đặc biệt dành riêng cho Yến Nhi. Chính từ những chữ cái trong cuốn Kinh thánh, anh đã dạy cô bé ghép vần, “nước chảy đá mòn”, dần dần, Yến Nhi cũng biết đọc, biết viết. Đó như là một “câu chuyện cổ tích” mà người dân trên đảo vẫn thường nhắc đến.

Em Trần Hoàng Kiệt cũng là trường hợp khá đặc biệt, gia đình em rất khó khăn, nhưng được sự chăm sóc, dạy dỗ cũng như nỗ lực của bản thân, Kiệt luôn là cậu học trò ngoan và chăm chỉ học tập nhất. Nhắc đến Kiệt, Đại úy Phục còn nhớ như in: Hồi đầu, Kiệt là một học sinh bướng bỉnh, thường xuyên bỏ học, chỉ thích đi câu cá để bán lấy tiền. Một lần, tôi đi tìm Kiệt, thấy em đang câu cá dưới gành, tôi liền bẻ cần câu ném xuống biển, rồi xốc lên vai ngược lên núi, vào tới lớp, tôi nói: “Em muốn đi học hay muốn ăn đòn”, cậu bé liền nhảy tót lên bàn nói: “Thầy đánh con đi rồi cho con về đi câu, phụ mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Tôi đành chiều em, hôm sau, tôi vác cần câu ra rủ em đi câu cùng. Cứ như thế, Kiệt ở mũi thuyền, tôi ở đuôi thuyền, gần một tuần, ngày nào tôi cũng tâm sự, trò chuyện với em, giống như hai người bạn, dần dần em nghe ra và bắt đầu đi học và chăm học hơn.

Trần Hoàng Kiệt chia sẻ: Chúng em luôn vâng lời thầy Phục, chăm chỉ học tập để không phụ công lao của thầy. Ở trong lớp, bạn lớn tuổi kèm cặp bạn nhỏ tuổi, lớp lớn dạy lớp bé. Chúng em làm như vậy, thầy sẽ đỡ vất vả hơn khi phải kèm từng bạn”. Kiệt hồn nhiên nói với chúng tôi: “Cứ tới dịp 20/11, chúng em lại rủ nhau đi hái hoa dại về tặng thầy. Chúng em mong rằng những món quà đó sẽ làm thầy vui. Chúng em chỉ mong thầy ở lại với chúng em thật lâu, chúng em không muốn thầy đi đâu cả”.

leftcenterrightdel
Hướng dẫn các em học sinh sắp xếp ngăn nắp tủ sách trước khi tan học. Ảnh: Kim Nhượng 

Thiếu tá Lê Quốc Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho chúng tôi biết: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, chúng tôi còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên xuống giúp đỡ người dân sinh sống trên địa bàn. Những em nhỏ theo bố mẹ ra đảo sống, đơn vị đều cử cán bộ xuống tận nhà vận động gia đình cho con em mình đi học, không để cho em nhỏ nào thất học. Với quyết tâm không để lớp học bị gián đoạn, làm ảnh hưởng tới việc học tập của các em, đơn vị đã quyết định chọn những cán bộ có năng khiếu về sư phạm, trong đó, Đại úy Trần Bình Phục được giao nhiệm vụ đứng lớp dạy các em.

Là một cán bộ năng nổ, nhiệt huyết và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, trong nhiều năm qua, Đại úy Phục đã được vinh danh tại nhiều chương trình do các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức. Thiếu tá Lê Quốc Cường cho biết thêm, vừa qua, Đại úy Trần Bình Phục là một trong 5 điển hình tiên tiến của BĐBP được chọn đi dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X. Đây là một tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị học tập và noi theo...

Kim Nhượng/Báo Biên Phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực