Người truyền lửa nghề nuôi dạy trẻ

Thứ sáu, 08/10/2021 11:29
(ĐCSVN) - 17 năm thăng trầm cùng mái trường mầm non Bắc Lý có lẽ là quãng thời gian không bao giờ quên của cô Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường. 17 năm ghi dấu ấn của một người hiệu trưởng không chỉ giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ mà còn đầy tâm huyết, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua "Hai tốt" của địa phương.
Khuôn viên Trường mầm non Bắc Lý

Cô hiệu trưởng tận tâm

Về xã Bắc Lý, nhắc tới cô Nguyễn Thị Thu Hà dường như người nào cũng biết. Sinh ra tại quê hương Chân Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam), cô Hà mang trong mình khát khao đưa trường mầm non Bắc Lý trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua "Hai tốt". Năm 2004, về nhận công tác tại địa phương - ngày ấy lớp học còn nằm rải rác ở các thôn xóm lên tới 18 điểm trường. Trẻ ghép lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn. Bằng quyết tâm và nghị lực của mình, cô Hà cùng giáo viên trong trường vừa chăm sóc trẻ, vừa lao động ngày đêm để hai năm sau đó, các lớp được dồn lại còn 8 điểm trường. Đến năm 2013, sau 9 năm vất vả, mầm non xã Bắc Lý chính thức còn 2 điểm trường như ngày nay.

Những ngày tháng ấy là quãng thời gian không bao giờ quên trong sự nghiệp của cô Hà. Hình ảnh một người phụ nữ cần mẫn, không nề hà bất cứ công việc gì từ cuốc đất, trồng rau đến trộn vữa, đổ bê tông sân trường… dường như không còn xa lạ với nhiều người. Những tháng ngày đầu tiên tại ngôi trường mầm non Bắc Lý, phòng học của học sinh cứ mưa là ngập, cô cùng với cán bộ xã phải tát nước cả đêm để sáng hôm sau các con có chỗ vui chơi.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Lý 

Cơ sở vật chất thiếu thốn, cô xin lại bàn ghế gãy của cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn để đóng lại thành bàn ghế cho trẻ mầm non. Rồi sau đó, cũng chính cô đôn đáo vận động xã hội hóa, xin kinh phí xây dựng bếp ăn, thậm chí mượn tiền của gia đình để mua sắm cơ sở vật chất, phát triển phong trào nuôi ăn tại trường. Cứ như thế, bằng sức lực, tâm huyết và sự tháo vát của mình, cô Hà cùng với cán bộ giáo viên bồi đắp, xây dựng trường khang trang lên từng ngày. Người dân vùng quê chiêm trũng, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lại là đất hiếu học, thấy được sự hi sinh vất vả của cô, các gia đình cũng sẵn sàng đồng hành góp sức xây dựng trường. Người tặng cây, người góp đồ chơi, người ủng hộ vật chất… Và cứ thế, trường có được cơ ngơi như hôm nay.

Song song với xây dựng cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập khang trang, hoạt động dạy học, chăm sóc trẻ cũng được chăm lo, phát triển. Vốn là người quyết đoán, dám nghĩ dám làm, cô Hà thường xuyên học hỏi các mô hình hay, mạnh dạn đề xuất cách làm mới để phát triển, đổi mới giáo dục. Cô trực tiếp đào tạo chuyên môn, uốn nắn chỉ bảo từng lời ăn tiếng nói cho các cô giáo sao cho chuẩn mực mà vẫn thân thiện, gần gũi với con trẻ. Cô sẵn sàng xuống lớp chăm sóc trẻ cùng giáo viên khi cần hỗ trợ, quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần và vật chất của cả cô và trẻ. Chính vì nói được, làm được và luôn nêu gương trong mọi hoạt động, cô trở thành tấm gương cho cán bộ, giáo viên trong trường noi theo. Ngọn lửa nghề của cô không chỉ có sức lan tỏa trong phạm vi trường mầm non Bắc Lý mà còn được chính quyền địa phương ghi nhận, ngành giáo dục - đào tạo từ cấp Bộ tới cấp Sở, phòng tặng Bằng khen, giấy khen.

Nhà trường nhiều thành tích

Đến trường Mầm non xã Bắc Lý hôm nay có thể dễ dàng nhận thấy một không gian học tập, vui chơi mang lại sự thoải mái, tự do, đầy khám phá cho các bé. Một không gian xanh, an toàn, thân thiện rất có sức hút. Nhiều năm qua, mái trường mầm non Bắc Lý vinh dự được Sở GDĐT chọn là trường tiêu biểu để các trường trong toàn tỉnh về tham quan, học tập.

Điểm nổi bật ở trường mầm non xã Bắc Lý là việc thực hiện phong trào “tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương” đáp ứng tốt yêu cầu chương trình giáo dục mầm non. Phong trào nhằm phục vụ cho các hoạt động của trẻ, phù hợp với nội dung đổi mới giáo dục, đồng thời góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường và sự gắn kết, phối hợp giáo dục giữa nhà trường với cha mẹ trẻ và cộng đồng. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn trẻ tham gia làm đồ dùng, đồ chơi cùng cô, vừa giúp trẻ được trải nghiệm thực tế, vừa giúp giáo viên đánh giá đúng khả năng của trẻ để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Không chỉ dừng lại ở phong trào làm đồ dùng đồ chơi, trường đã tận dụng tối đa quỹ đất thực tế để tạo ra môi trường cho trẻ thỏa sức hoạt động và trải nghiệm, tạo cơ hội cho trẻ chủ động, tích cực tham gia khám phá. Tăng cường trò chuyện với trẻ, lắng nghe và tôn trọng trẻ, gợi ý, khuyến khích, động viên trẻ, giúp trẻ hoàn thiện dần các kỹ năng cá nhân. Đến nay, cảnh quan khuôn viên nhà trường luôn xanh - sạch - đẹp, trẻ được thỏa sức vui chơi khám phá trong môi trường an toàn, thân thiện.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà hướng dẫn giáo viên trang trí lớp 

Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, khi đã ổn định với 2 điểm trường, trường mầm non xã Bắc Lý liên tiếp dành thứ hạng cao trong phong trào thi đua của ngành giáo dục tỉnh Hà Nam, có nhiều giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Năm học 2017-2018, trường được công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, thực sự là điểm sáng trong bậc học mầm non của tỉnh. Năm học 2020 - 2021, dù hoạt động học tập được diễn ra ít tháng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng bằng sự nỗ lực và tập trung, trường vẫn dành được nhiều thành tích cao: được tặng cờ thi đua cho tập thể lao động xuất sắc. Hội thi giáo viên giỏi có một giáo viên đoạt giải xuất sắc cấp tỉnh, 2 giáo viên đoạt giải cấp huyện. Nhà trường có 3 đề tài được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận sáng kiến khoa học, cùng với đó là nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô Hà mang trong mình niềm tự hào của Tiếng trống Bắc Lý, khát khao xây dựng nhà trường thành mái ấm đủ đầy cho các con. Những ngày tháng trước khi nghỉ hưu theo chế độ, cô Hà vẫn tất bật với những kế hoạch còn dang dở, miệt mài với đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cùng hi vọng lan tỏa mô hình này tới các trường mầm non trong và ngoài tỉnh. Mong muốn tha thiết của cô là các con được hưởng thành quả của nền giáo dục tiên tiến, nơi đó học sinh là trung tâm, các thầy cô giáo và mái trường là mái ấm nuôi dưỡng các con khôn lớn trong những năm tháng tuổi thơ.

Dù trải qua bao vất vả, nhưng thành quả đạt được ngày hôm nay của trường mầm non Bắc Lý thật ngọt ngào và đáng trân trọng. Thành quả ấy ghi dấu ấn của người lãnh đạo tận tâm, cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp trồng người - cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà./.

Phan Thị Bích Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực