|
Thông qua các khóa bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp đã được trang bị thêm nhiều kiến thức xã hội, kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ Hội. |
Thực tế đã chứng minh, nơi nào cán bộ phụ nữ năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc thì phong trào phụ nữ rất sôi nổi, hiệu quả. Vì thế, thời gian qua Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ nữ các cấp, trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang hiện có 193 Chủ tịch, 193 Phó Chủ tịch, 2.071 Chi hội trưởng cấp cơ sở; ở cấp huyện có 48 cán bộ chuyên trách công tác Hội, còn lại cấp tỉnh có 18 đồng chí. Trước đây, công tác bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp được triển khai theo hình thức: Cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện được cử tham gia các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ Hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam; ngoài ra, tại địa phương Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở; Hội LHPN cấp huyện phối hợp với Trung tâm Chính trị cấp huyện tổ chức bồi dưỡng cho Ban Chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở, Chi hội trưởng, Chi hội phó.
Ngay sau khi Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng giai đoạn 2019 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hội LHPN tỉnh Hà Giang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Song song với đó, Hội cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện và chỉ đạo các cấp Hội phối hợp tham mưu cho UBND cùng cấp về chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chủ động xây dựng đề xuất kinh phí từ Trung ương, từ Tỉnh để tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội LHPN các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và Chi hội trưởng. Sau 5 năm thực hiện Đề án, đã có 24 cán bộ Hội LHPN cấp huyện, 631 lượt Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở, 217 Chi hội trưởng được tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác Hội, cập nhật kiến thức nghiệp vụ công tác phụ nữ; tập huấn sử dụng, quản lý phần mềm tổng hợp báo cáo, thống kê… Riêng trong năm 2022, 2023, Hội đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức 1 lớp bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác Hội cho 52 học viên là Chủ tịch, nguồn chức danh Chủ tịch Hội LHPN cơ sở; 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Chi hội trưởng cho 42 Chi hội trưởng; 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại các huyện cho 125 Chi hội trưởng; 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hội tại tỉnh cho 35 Chủ tịch, nguồn chức danh Chủ tịch Hội LHPN cơ sở.
|
Đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang phát biểu tại lớp tập huấn nghiệp vụ Hội cho Chủ tịch, nguồn chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở. |
Cùng với việc đề xuất kinh phí tổ chức các khoá bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội các cấp, Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đặc biệt là Chi hội trưởng, Chi hội phó, theo đó đã tổ chức 63 lớp bồi dưỡng với 4.115 lượt Chi hội trưởng, Chi hội phó tham gia; đồng thời phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức 02 lớp dưỡng với 100 Chi hội trưởng, Chi hội phó tham gia.
Đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định: Tại các khoá bồi dưỡng, hội viên có ý thức, thái độ học tập tốt, đảm bảo thời gian theo quy định; hăng hái tham gia thảo luận, làm bài tập, thực hành theo yêu cầu của giảng viên tạo nên không khí học tập thỏa mái. Đặc biệt, học viên được chia theo nhóm, tăng giờ thảo luận giúp có nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay từ thực tiễn cơ sở. Thông qua các khóa bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp đã được trang bị thêm nhiều kiến thức xã hội, kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ Hội, qua đó giúp thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đề ra.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực hiện Đề án, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp cho biết: Trong quá trình triển khai, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên cơ sở nắm bắt thực trạng về năng lực, chuyên môn, kỹ năng về hoạt động Hội của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và chi hội; kiến thức mới phù hợp với tình hình thực tế mà các cấp Hội đang cần phục vụ cho hoạt động công tác Hội. Các cấp Hội cũng chủ động đề xuất nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động từ các tổ chức, cá nhân để tổ chức các khoá bồi dưỡng và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp. Cùng với đó, đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và khả năng tiếp thu của các học viên.
Tại các khoá bồi dưỡng, chú trọng đổi mới cải tiến phương pháp thực hiện; giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thảo luận nhóm; sau các lớp bồi dưỡng, tập huấn có nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, để các lớp học được tổ chức và diễn ra theo kế hoạch, cần phải chủ động và chuẩn bị chu đáo hơn công tác tổ chức lớp; theo dõi, nắm bắt sát tình hình lớp học và những vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Cần có đội ngũ giảng viên, báo cáo viên giàu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn sâu, trong giảng dạy gợi mở nhiều vấn đề lý luận, định hướng học viên nghiên cứu gắn lý luận với thực tiễn, để học viên tham gia trao đổi, giải quyết những tình huống thực tiễn đặt ra.
Mỗi học viên cũng cần xác định rõ động cơ, thái độ học tập, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. Từ đó, thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao trong việc chấp hành các quy định, quy chế lớp học, trách nhiệm với tập thể và trách nhiệm với bản thân trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, chủ động sắp xếp việc chung, việc riêng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và nội dung của khoá học đề ra.
|
Hội LHPN tỉnh Hà Giang vinh dự là một trong 10 tập thể được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng giai đoạn 2019 - 2025. |
Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án của Hội LHPN tỉnh, Đề án đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện; đối tượng bồi dưỡng đảm bảo, tập trung vào đối tượng là cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở và Chi hội trưởng. Các khoá bồi dưỡng đảm bảo thời gian và đúng tiến độ. Học viên tham gia các khoá bồi dưỡng được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định và phê duyệt của tỉnh, huyện.
Với những kết quả đạt được, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh Hà Giang vinh dự là một trong 10 tập thể được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng giai đoạn 2019 - 2025.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ, Hội LHPN tỉnh đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết, nhiệt tình với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; có kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đó, trong giai đoạn 2024-2030, Hội phấn đấu 100% cán bộ, công chức Hội LHPN cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo chuyên đề, vị trí việc làm, cập nhật kiến thức mới ít nhất 1 lần. 100% Chủ tịch Hội LHPN cấp xã và 100% người được quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội/cập nhật kiến thức mới/công tác xã hội ít nhất 1 lần. 100% Chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội/cập nhật kiến thức mới/công tác xã hội ít nhất 1 lần./.