Bí thư Tỉnh ủy Đặng quốc Khánh: Tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng

Thứ ba, 27/12/2022 20:42
(ĐCSVN) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Giang, diễn ra ngày 27/12.
 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến)

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng BCĐ phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) tỉnh Hà Giang, công tác PCTNTC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, công tác PCTNTC đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn không ít hạn chế cần khắc phục; nhất là một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện tham nhũng và sai phạm về kinh tế; chưa có giải pháp PCTNTC thực sự hiệu quả; công tác luân chuyển cán bộ của các cơ quan, đơn vị chưa tốt…

Nhấn mạnh phương châm lấy công tác phòng là chính nhưng phải xử lý nghiêm túc, kiên quyết, dứt điểm các vụ việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị rà soát các kết luận thanh tra, kiểm tra; có kế hoạch, phân công thực hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan; xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng. Tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, nhất là tài nguyên đất đai, rừng, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý thị trường;… Đặc biệt, cần tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Quan tâm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ.

Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt công tác luân chuyển đội ngũ cán bộ; ban hành quy chế, quy trình, quy định vận hành, thực hiện một cách cụ thể, hiệu quả. Cần sâu sát, lắng nghe ý kiến nhân dân; nâng cao vai trò người đứng đầu trong kiểm soát công việc; tập trung xử lý nghiêm túc theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chú trọng việc ngăn chặn, đẩy lùi, răn đe và nêu cao vai trò của cấp ủy Đảng các cấp trong PCTNTC. Chú trọng làm tốt công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá cán bộ một cách sát thực. Tập trung thực hiện đúng quy trình, quy định và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương chăm lo các gia đình, đối tượng chính sách dịp Tết Nguyên đán 2023. Lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ việc lợi dụng tặng quà hộ nghèo các địa phương để truyền đạo trái pháp luật…

 Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến)

Theo thông tin tại Hội nghị, từ khi thành lập BCĐ PCTNTC tỉnh Hà Giang (từ ngày 1/6/2022) đến nay, công tác PCTNTC của tỉnh chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được kết quả quan trọng; nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính; quản lý tài sản công triển khai đồng bộ và toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát về PCTNTC và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý từ cấp xã, cấp huyện; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; ngăn ngừa “tham nhũng vặt” và các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng nên công tác PCTNTC chuyển biến cả 3 khâu: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Trong năm, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tiếp gần 650 lượt công dân; tiếp nhận gần 1.500 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổng số tiền tham nhũng phải thu hồi trên 3,4 tỷ đồng; đã thu hồi đạt 99%.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Sự phối hợp giữa các cơ quan, thanh tra, điều tra; nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát; nội bộ các địa phương, đơn vị cần đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể để phòng chống tham nhũng, tiêu cực; sâu sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở; tăng cường nắm bắt thông tin qua các kiến nghị của cử tri; chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên…

 

Kim Tiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực