|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính (CCHC) quý I, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2023 của tỉnh Hà Giang, diễn ra ngày 26/4, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành trong thực hiện CCHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại cần có giải pháp khắc phục kịp thời, nhất là cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, PCI, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu; đầu tư về cơ sở vật chất, con người, phương tiện trong công tác CCHC nhiều hơn; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với nhau.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ trong thực hiện CCHC. Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), nhất là TTHC trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến; triển khai các giải pháp tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước...
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Báo cáo tại Hội nghị, trong quý I, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành 11 quyết định công bố danh mục TTHC chuẩn hóa và phê duyệt nội dung tái cấu trúc chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu điện tử TTHC cung cấp DVC trực tuyến. Đến nay, Cổng DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp 1.944 DVC trực tuyến; trong đó, DVC trực tuyến một phần chiếm 14,24%, DVC trực tuyến toàn trình chiếm 76,13% (đạt 100% DVC đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình). Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ TTHC và gửi hồ sơ trực tuyến. Tại bộ phận một cửa các cấp đã tiếp nhận gần 39.000 hồ sơ TTHC; trong đó, số hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,25%, 60% TTHC được thực hiện trên môi trường điện tử bằng phương tiện điện tử thông qua các DVC trực tuyến.
Kết quả công bố các chỉ số liên quan đến CCHC của tỉnh cho thấy, cả 3 chỉ số: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); chỉ số CCHC (PAR Index) đều giảm điểm và tụt hạng so với năm 2021. Cụ thể, chỉ số PAPI giảm 16 bậc, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố; chỉ số SIPAS giảm 19 bậc xếp thứ 37/63; chỉ số PAR Index giảm 12 bậc, xếp thứ 40/63. Duy nhất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 18 bậc, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố nhưng vẫn ở top thấp trên bảng xếp hạng của cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích, làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân tồn tại. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, PCI gắn với triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC trong quý II năm 2023./.