Hà Giang: Nhiều điểm sáng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 13/12/2022 10:15
(ĐCSVN) - Tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,8%, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh với mức tăng toàn ngành đạt 16,8%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, du lịch khởi sắc và tăng trưởng mạnh với 2,2 triệu lượt du khách,… là những tín hiệu lạc quan trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang năm vừa qua.
Một góc thành phố Hà Giang nhìn từ trên cao. 

Năm 2022, tỉnh Hà Giang bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19, giá cả xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Giang cơ bản hoàn thành với nhiều gam màu sáng.

Những điểm sáng nổi bật

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang cho biết: 29/36 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch năm; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 15,25%; khu vực dịch vụ tăng 5,97%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng chính đều tăng so với năm 2021. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 419.972 tấn, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước, bằng 2.260 tấn. Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, có mức tăng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 16,8% so với năm 2021, đặc biệt ngành công nghiệp sản xuất điện phát triển mạnh, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu và lao động của địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 tại Kỳ họp HĐND tỉnh. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch đề ra). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tăng 2,45% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán TW giao và 91,6% KH tỉnh giao. Tổng dư nợ tín dụng 28.241 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra).

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp được quan tâm sát sao; số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các chỉ số về cải cách hành chính tăng đều qua các năm và được nâng lên đáng kể (Năm 2021, PAPI tăng 09 bậc; SIPAS tăng 07 bậc; PAR Index tăng 05 bậc). Chỉ số PCI năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện và tăng 02 bậc so với năm trước. Hoạt động chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Đặc biệt, Đề án Cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây Cam sành được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm thực hiện, dần chứng minh được hiệu quả trong cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong năm đã cải tạo 2.325 vườn; hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp). Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng với 6.684 nhà, tổng kinh phí hỗ trợ 400.334 triệu đồng và 341.766 ngày công, vượt xa mục tiêu ban đầu, qua đó giải quyết việc làm cho 34.248 lao động, đạt 199,1% kế hoạch (tăng 101% so với năm 2021).

Các Dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang và các dự án đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; được UBND tỉnh phê duyệt dự án, hiện đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công xây dựng.

 Cao nguyên đá Đồng Văn - một trong những địa điểm thu hút du khách đến với Hà Giang. (Ảnh: Vũ Chinh)

Du lịch tăng trưởng bứt phá

Phát triển du lịch được Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Vốn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, năm 2022 du lịch Hà Giang tiếp tục chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh với 2,2 triệu lượt du khách, tăng 142% so với năm 2021. Doanh thu du lịch đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 165,8% so với năm 2021.

Sau một thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, du lịch Hà Giang năm vừa qua khởi sắc với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang cả bốn mùa trong năm. Có thể điểm lại một số hoạt động du lịch đáng chú ý như: Chương trình kích cầu du lịch với chủ đề Hà Giang - An toàn, bản sắc và thân thiện; tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2022; Chương trình đón những vị khách đầu tiên đến Hà Giang trong năm 2022; chương trình “Hành quân theo bước chân anh"; "Qua miền di sản 6 tỉnh Việt Bắc" lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong năm, tỉnh tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch theo phương châm an toàn; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch như: giảm giá vé tham quan, giá dịch vụ, xúc tiến các hoạt động quảng bá trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức, ứng dụng công nghệ số tổ chức các tour du lịch online và truyền thông trên các trang mạng xã hội; thiết lập hệ thống thông tin từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời xây dựng các phương án ứng phó kịp thời với các tình huống về phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh trật tự an toàn cho du khách khi đến với Hà Giang.

Cùng với đó, tỉnh không ngừng nỗ lực nâng cấp các sản phẩm du lịch sẵn có như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; làm mới sản phẩm du lịch…; mời các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên Địa chất toàn cầu Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”; về với địa chỉ đỏ Căng Bắc Mê; tuyến du lịch số 4 Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn hành trình đến với tương lai xanh; nhiều điểm du lịch được làm mới; các giải thể thao mạo hiểm được khai thác phát triển như giải Marathon chạy trên cung đường Hạnh phúc; trình diễn xe mô tô, ô tô địa hình; đua thuyền kayak …

Đặc biệt, mới đây Hà Giang vinh dự có hai món ăn gồm: Thắng cố và Thịt lợn cắp nách được lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và hai đặc sản gồm Bánh tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ được chọn Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2021 - 2022 theo Bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Khu du lịch sinh thái H’Mong Village thuộc xã Đồng Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang được xác lập kỷ lục là khu nghỉ dưỡng với các ngôi nhà hình Quẩy Tấu được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam và được công nhận giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN.

Đồng bào Mông xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) tích cực lao động, sản xuất để nâng cao đời sống. (Ảnh: Kim Tiến) 

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tại Kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra như: thu ngân sách nhà nước, hoạt động xuất nhập khẩu, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân các nguồn vốn chậm; công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách; việc triển khai thực hiện các dự án; chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học; các sản phẩm du lịch, dịch vụ; công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý bảo vệ rừng; hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn; công tác phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chủ động; năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Về nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; triển khai hiệu quả Chương trình lớn của Tỉnh uỷ, ban hành và triển khai các Kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội ngay từ tháng đầu năm, đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2022, Hà Giang có 37 sản phẩm OCOP được công nhận.  

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1 đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thâm canh, mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung vào sản xuất sạch, an toàn (VietGAP, hữu cơ), sản xuất theo chuỗi giá trị; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm trở lên (Trong đó, huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm trở lên); hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới…/.

       Mục tiêu trong năm tới, tỉnh Hà Giang phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.800 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng; thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch. Số hộ nghèo giảm 7.660 hộ nghèo, tương đương giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,8%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,9%; tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 96,7%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 93%...

Hiền Hòa - Đinh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực