(ĐCSVN) - Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 7/9 tại Hà Nội, các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, hậu quả “tín dụng đen” luôn khó lường, đẩy người dân vay “tín dụng đen” vào cảnh đã khó, lại thêm khổ vì “bỗng dưng” mất đất, mất nhà. Còn đối tượng “tín dụng đen” thì chiếm đoạt được tài sản của người dân và cả tiền của ngân hàng.
Thực tế, nhiều hộ gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn vì bị mất nhà, nhiều tỷ đồng vốn của ngân hàng có thể bị rủi ro và nghiêm trọng hơn “mô hình” trên đang được nhiều đối tượng ngoài xã hội nhân rộng về quy mô. Nếu không có sự ngăn chặn của các cơ quan thi hành pháp luật, thay đổi nhận thức của người dân thì “tín dụng đen” sẽ gây bất ổn lớn trong xã hội, trong từng gia đình, là môi trường cho tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ phát triển, hoành hành.
Hệ lụy khó lường từ “tín dụng đen”
|
Hội thảo diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ảnh: HNV) |
Theo các đại biểu, ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, “tín dụng đen" có hình thức khá đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường. Tính chất các vụ án về “tín dụng đen”, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Trường Lộc) cho biết, thủ tục “tín dụng đen” thì rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh…. Bên vay phải ký Hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở hoặc Hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay “tín dụng đen” toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản.
Hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên “tín dụng đen” sẽ hủy hợp đồng. Việc ký kết chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế, sau khi nắm được hợp đồng mua bán chuyển nhượng trong tay, bên cho vay “tín dụng đen” đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Lệ, một trong những nạn nhân chia sẻ: Khi đối tượng “tín dụng đen” vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, tôi mới biết mình bị lừa, nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác. Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, một nạn nhân khác cho biết: Tôi rất ngạc nhiên vì vẫn ăn ở trong nhà của mình, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng.
Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở, từ thủ tục công chứng hợp đồng, sang tên chuyên nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, nên người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý. Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.
Trọng tài viên Trương Thanh Đức phân tích, mặc dù mức cho vay nặng lãi cao hơn 150% so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố, nhưng vẫn chưa cao gấp quá 10 lần lãi suất mà pháp luật quy định, nên không xử lý theo pháp luật. Thêm vào đó, rất khó xác định người nào đó “có tính chất chuyên bóc lột” do vậy họ có cho vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm cũng khó bị xử lý.
Giải pháp phòng ngừa vẫn là chủ yếu trong bối cảnh hiện nay
|
Nạn nhân của bẫy "tín dụng đen" chia sẻ câu chuyện của gia đình tại Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Để “tín dụng đen” không có đất tồn tại, các chuyên gia pháp lý, luật sư đều nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng quản trị tài chính, giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro. Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cảnh báo người dân và các doanh nghiệp khi cầm bút ký bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến các khoản vay, hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng tài sản; cần phải đọc kỹ các điều khoản, nếu không hiểu thì mời luật sư hỗ trợ pháp lý. “Dù có tăng thêm chi phí nhưng sẽ giảm thiểu rủi ro và nếu có rủi ro thì các luật sư cũng có trách nhiệm đến vấn đề này”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, những hệ lụy từ “tín dụng đen” đang gây hại rất lớn cho xã hội. Những đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường gây sức ép, có khi truy sát con nợ ngay tại nhà, làm người dân hoang mang, bất bình, giảm lòng tin vào các tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước. Cho nên, cần kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những công ty, tổ chức, cá nhân sử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự, cho vay “tín dụng đen”. Cũng theo Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Về phía lực lượng công an sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; khẩn trương điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những vụ việc đã xảy ra…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các ngành chức năng đều thống nhất cho rằng, biện pháp quan trọng và lâu dài là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, minh bạch hóa, công khai hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục và phát triển rộng rãi cách tiếp cận các nguồn tín dụng lành mạnh từ ngân hàng và các tổ chức tài chính có uy tín.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó, có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. |