(ĐCSVN) – Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam, gần 3 thập kỷ qua, cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, ngành tài chính vi mô (TCVM) của Việt Nam đã được hình thành, từng bước phát triển cả về quy mô, số lượng chương trình, dự án, tổ chức TCVM và sự đa dạng trong hoạt động, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trong thực tế, nước ta đã hình thành không ít các tập đoàn tài chính ngân hàng và tập đoàn tài chính phi ngân hàng hoạt động đa ngành, phát sinh nhiều giao dịch phức tạp, tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động cũng như từ các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, phương thức giám sát còn bất cập, thiên về giám sát tuân thủ mà chưa chú trọng đúng mức giám sát trên cơ sở rủi ro. Ngoài ra, quyền hạn của các cơ quan giám sát còn hạn chế, nhất là thẩm quyền tiếp cận thông tin và chế tài xử lý vi phạm và giám sát an toàn.
Quy trình giám sát của NHNN chưa tạo được sự phối hợp tốt giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ. Các bước trong quy trình vẫn chú trọng đến hoạt động thanh tra tại chỗ và cụ thể đối với các NHTM mà chưa xây dựng được các báo cáo tổng thể mang tính cảnh báo trong hoạt động của NHTM. Giám sát từ xa còn khó khăn trong việc tổng hợp, thu thập và xử lý thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán chưa được áp dụng rộng rãi, nhất quán và thiếu hiệu lực cao. Nội dung giám sát của NHNN chưa toàn diện, chưa đề cập đến hoạt động quản trị rủi ro trong nội bộ các ngân hàng cũng như việc đánh giá chiến lược quản trị rủi ro của các ngân hàng. Tính chưa toàn diện do các nội dung giám sát chưa được tổng hợp và đánh giá tổng thể đối với toàn hệ thống ngân hàng.
Chức năng giám sát thị trường tài chính được phân nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau, nhưng cơ chế phối hợp lại thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Trong đó, NHNN giám sát các hoạt động tiền tệ - ngân hàng; Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) giám sát thị trường bảo hiểm, UBCKNN giám sát TTCK . Vì vậy, rất khó giám sát hữu hiệu các rủi ro chéo do thiếu sự phối kết hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành trong giám sát thị trường tài chính, do các cơ quan này hoạt động độc lập, riêng biệt từng mảng nghiệp vụ khác nhau.
Thêm nữa, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính quốc gia. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) chỉ là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, nên không thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với các định chế tài chính. Việc giám sát các định chế tài chính ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cơ quan giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển tốt hơn.
Cũng theo TS. Bùi Quang Tín, trên thực tế, hệ thống giám sát tài chính tại Việt Nam trong thời gian qua chỉ chủ yếu tập trung vào công tác giám sát an toàn vi mô trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro. Trong khi đó, thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp cả về quy mô lẫn cấu trúc, với các hoạt động tài chính đan xen giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và trong môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Việc thanh tra, giám sát thị trường tài chính được thực hiện theo phương thức các cơ quan quản lý đưa ra quy định gì thì yêu cầu các định chế thực hiện đúng như vậy. Điều này có thể gây ra rủi ro từ nhiều khía cạnh.
Thiết nghĩ, để cho việc giám sát an toàn vĩ mô có hiệu quả, việc giám sát chặt chẽ các diễn biến của nền kinh tế trong nước và quốc tế cũng như các diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế là vô cùng cần thiết. Theo đó, tại Việt Nam, trong thời gian tới, tái cơ cấu hệ thống giám sát thị trường tài chính là một lĩnh vực quan trọng của công cuộc tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Mới đây nhất, các nội dung liên quan tới báo cáo tín dụng TCVM cũng được đề cập như một trong vấn đề cần quan tâm để củng cố thêm chất lượng TCVM. Mục đích hiện nay là nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò quan trọng và giá trị của TCVM bền vững và trách nhiệm đối với sự phát triển của hệ thống tài chính và kinh tế. Bởi TCVM có tác dụng phát triển kiến thức của hộ gia đình về kinh doanh, xã hội, quản lý tài chính, tăng cường liên kết cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới và lợi ích của trẻ em, góp phần giảm thiểu hoạt động cho vay nặng lãi, giảm tệ nạn xã hội, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Do đó, rất cần sự trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính về những cơ hội, thách thức và hướng đi cho ngành TCVM và phổ cập dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Thực chất, Chính phủ hiện nay cũng đặc biệt quan tâm tới phát triển TCVM. Theo đó, đã chú ý các giải pháp liên quan đến tạo dựng môi trường pháp lý như hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD); Ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích phát triển hoạt động TCVM; Có chính sách thuế, phí phù hợp để hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô; Nghiên cứu, ban hành các quy định để phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô theo hướng chuyên nghiệp; Hoàn thiện cơ chế về tín dụng ưu đãi đảm bảo phục vụ đúng đối tượng người nghèo và đối tượng chính sách khác; Nghiên cứu ban hành chính sách nhằm đa dạng hóa loại hình tổ chức TCVM…