(ĐCSVN) – Trung Quốc vừa quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế đang có mức tăng trưởng chậm. Với động thái này, nhiều chuyên gia dự đoán, lãi suất cho vay kỳ hạn một năm của Trung Quốc có thể sẽ về 5,35% vào giữa năm sau; Lãi suất tiền gửi kỳ hạn tương ứng sẽ xuống 2,5%.
|
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Ảnh: HNV) |
Năm 2014, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng yếu nhất gần ba thập kỷ. Trong khi đó, rủi ro tài chính từ nợ chính quyền địa phương, các dự án bất động sản và doanh nghiệp nhà nước lại tăng lên. Trước khi nhờ cậy đến lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thực hiện rất nhiều biện pháp để hạ lãi suất thực, nhưng đều thất bại. Cơ quan này không được tự do điều chỉnh lãi suất và phải thông qua Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường. Được biết, trong đợt hạ lãi suất này, PBOC đã hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm thêm 0,4% xuống 5,6% và lãi suất tiết kiệm giảm 0,25% về 2,75%.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên (PV): PBOC bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm. Theo đó, lãi suất cơ bản đối với các khoản tiền gửi đã giảm 25 điểm cơ sở và lãi suất cho vay giảm 40 điểm cơ sở (1 điểm cơ sở được tính bằng 0,01% lãi suất ). Khoản giảm này được áp dụng trong một năm tính từ ngày 22/11/2014. Với kinh nghiệm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, TS nhìn nhận về việc hạ lãi suất này như thế nào?
TS Phạm Sỹ Thành: Đây là lần đầu tiên PBOC điều chỉnh lãi suất tiêu chuẩn kể từ tháng 7/2012. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng chậm trong quý III vừa qua (7,3%) so với hai quý trước (lần lượt là 7,5% và 7,4%). Đồng thời, con số này đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý I năm 2009 (6,6%).
Ngoài ra, theo Cục Thống kê Trung Quốc, các số liệu về đầu tư vào tài sản cố định, lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc trong 9 tháng năm 2014 cũng thấp hơn so với mức dự báo. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc khó có thể thực hiện được mục tiêu giữ tăng trưởng ở khoảng 7,5% trong năm nay.
Thêm vào đó, áp lực nguy cơ giảm phát và khả năng yếu đi về chi phí tài chính của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải.
Có thể thấy, giảm lãi suất là công cụ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cả về cung và cầu. Khi giảm lãi suất cơ bản thì lãi suất thị trường và chi phí đi vay cũng giảm theo. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
PV: Vậy theo TS, việc điều chỉnh lãi suất lần này có những tác động cụ thể nào đối với nền kinh tế Trung Quốc?
TS Phạm Sỹ Thành: Như đã đề cập, tôi cho rằng, trước hết, việc giảm lãi suất của PBOC hiện đang nhắm tới mục tiêu rõ là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đều biết, đặc trưng trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường là chính sách tài khóa không mở rộng như thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thêm nữa, chính sách tài khóa thường rất dè dặt và nếu mở rộng thì cũng rất hạn chế với các gói kích thích nhỏ. Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát còn 3,5%. Thống kê của cả năm 2013 và tính đến thời điểm này của 2014, con số lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3,5%. Thậm chí, người ta đang lo ngại Trung Quốc có thể đối diện với giảm phát chứ không phải lạm phát. Điều này cho thấy, "room" để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng của PBOC còn lớn vì hiện nay, lạm phát cũng không phải là nỗi lo lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tác động thứ hai là việc hạ lãi suất có thể hỗ trợ các ngân hàng thương mại Trung Quốc ứng phó với suy giảm cầu tín dụng. Cách đây 1 tháng, PBOC đã phải “bơm ra” 300 tỷ Nhân dân tệ (NDT) tương đương 65 tỷ đô la Mỹ cho 11 ngân hàng thương mại của mình. Hiện, 4 ngân hàng thương mại lớn nhất và một loạt ngân hàng nhỏ đều báo cáo sự sụt giảm không bình thường của cầu tín dụng. Rõ ràng, việc giảm lãi suất này cũng là một hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Tác động thứ ba là nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một tác động khác mà việc giảm lãi suất này muốn hướng tới là thử nghiệm tự do hóa lãi suất. Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên và PBOC mới chỉ nới lỏng lãi suất huy động, theo mức huy động hiện nay cao hơn 1,2 lần so với lãi suất cơ bản. Với việc điều chỉnh này, có thể tạo ra cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc đưa ra các mức lãi suất khác nhau và tiến tới tự do hóa lãi suất cho vay với mục tiêu hết 2016, sẽ tự do hóa lãi suất theo hướng thị trường. Đây có lẽ là hướng thử nghiệm ban đầu sau cam kết mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc hạ lãi suất không chỉ tác động đến các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các thị trường, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam. TS đánh giá thế nào về ý kiến nhận định này?
TS Phạm Sỹ Thành: Thực ra, việc hạ lãi suất và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ngay là một quan hệ rất không chắc chắn. Chúng ta đều biết có thực tế là, khi ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tiếp cận vốn lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất huy động đã được hạ đó để đảo nợ. Bản thân ngân hàng cũng muốn thế vì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang cao. Do đó, chính các ngân hàng cũng muốn các doanh nghiệp vay vốn đảo nợ để “làm sạch” bảng cán cân thanh toán của mình.
Hơn nữa, vốn vay trong nền kinh tế Trung Quốc có đặc điểm rất nổi trội là gần 50% vốn vay không “đổ” vào sản xuất mà “đổ” vào thị trường tài sản. Riêng với bất động sản, vốn của ngân hàng đã chiếm khoảng 40%.
Do đó, cá nhân tôi thấy, từ việc hạ lãi suất đến việc doanh nghiệp sử dụng sản xuất - kinh doanh là cả một quá trình và cần nhiều hơn bằng chứng để xem có quan hệ đó không. Điều này cũng có nghĩa là cần thời gian để đánh giá những tác động, ảnh hưởng trên cơ sở xem xét doanh nghiệp vay tiền để sản xuất hay làm gì khác.
PV: Xin cảm ơn TS!