Mù Cang Chải thực hiện cuộc vận động lớn

Thứ ba, 12/01/2010 16:39

“Sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì không chỉ cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể có những nhận thức sâu sắc, chuyển biến rõ rệt mà ngay cả những người dân nơi đây cũng vậy” - đồng chí Thào A Sàng – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) phấn khởi cho biết.

Cán bộ phụ nữ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trao đổi kinh nghiệm giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.  

Là một trong hai huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh nhưng khi có Kế hoạch số 27 của Tỉnh ủy Yên Bái về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Mù Cang Chải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và xuyên suốt nhằm củng cố Đảng, chính quyền, tập hợp đoàn kết nhân dân cùng tham gia xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội.

Ngay sau đó, Huyện ủy ra Quyết định số 100-QĐ/HU thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động gồm 22 thành viên do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo đã phân công các thành viên theo dõi và đôn đốc, giao nhiệm vụ từng năm cho các cơ sở. Cụ thể, năm 2007 tập trung học tập và tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên, công chức và tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân; năm 2008 chỉ đạo các chi, Đảng bộ học tập chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu đồng thời áp dụng những bài học đó vào thực tiễn một cách hiệu quả; năm 2009 lại tập trung tuyên truyền sâu rộng về chuyên đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” gắn với 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Việc triển khai cuộc vận động nhanh chóng, kiên quyết và có sự thống nhất cao giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên công chức và nhân dân các dân tộc tạo ra nhiều thay đổi. Từ đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân; chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ. Việc thực hành tiết kiệm được nhiều cơ quan, địa phương thực hiện như: điện, nước, xăng, tiền điện thoại, mua sắm trang thiết bị văn phòng và giảm bớt các hội nghị không cần thiết...

Vẫn theo lời Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy thì: “Phấn khởi nhất đối với những cán bộ vùng cao như chúng tôi đó là sự thay đổi trong nhận thức của nhân dân, được họ nhiệt tình ủng hộ bằng các việc làm cụ thể. Nếu như đám cưới người Mông trước đây thường tổ chức 2 ngày thì nay chỉ còn một ngày; người chết không để lâu trong nhà; biết thu gom rơm, rạ để làm thức ăn dự trữ cho gia súc; vươn lên làm giàu chính đáng bằng nghề truyền thống và dịch vụ...”.

Lĩnh vực kinh tế của huyện cũng có mức tăng trưởng cao, năm 2008 đạt 11,5%; thu nhập bình quân đầu người 3,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực 330 kg/người/năm. Năm 2009, sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 100% kế hoạch; tạo nhiều việc làm cho người lao động...

Sau 3 năm triển khai cuộc vận động ở Mù Cang Chải, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ một số hạn chế. Để thực hiện cuộc vận động trong những năm tới, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Mù Cang Chải cần tiếp tục đẩy mạnh học tập các chuyên đề; tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn viên, hội viên và bám sát kế hoạch, lồng gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đối với các chi bộ mới tách lập và các chi, Đảng bộ có những thay đổi trong bộ máy, cấp ủy cần sớm kiện toàn ban chỉ đạo.

Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể bằng văn bản và yêu cầu trách nhiệm của từng thành viên để kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng thực hiện cuộc vận động.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực