Nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người thông qua Cuộc vận động

Thứ ba, 05/01/2010 11:46

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Tuyên Quang đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức và hành động của mỗi người. Tinh thần trách nhiệm trong công việc của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng Bằng khen cho các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2009. Ảnh: Nguyễn Chính 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc

Đồng chí Hứa Kiến Thiết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, trong nhiều năm qua, với phương châm “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh đã đổi mới phương pháp làm việc, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ phục vụ nhân dân, giảm tối đa thời gian cho nhân dân khi đến giao dịch tại cơ quan nhà nước. Trước đây, việc cấp chứng minh thư nhân dân trong 15 ngày, nay chỉ còn 5 ngày, thời gian cấp hộ chiếu từ 25 ngày xuống còn 5 ngày...Ông Hoàng Cao Lợi, phường Tân Quang (thị xã Tuyên Quang) cho biết, ông đang làm một số công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng vì bị mất chứng minh thư nhân dân phải làm mới. Cứ nghĩ phải mất nhiều thời gian, nhưng khi đến Phòng cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Tuyên Quang, mọi việc được triển khai rất nhanh chóng. Cán bộ nghiệp vụ chụp ảnh và làm một số thủ tục, chỉ trong 5 ngày là được nhận kết quả rồi ...

Trong 3 năm qua, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã trả lại gần 300 triệu đồng tiền thừa cho khách hàng; Tổ Quản lý Dịch vụ Kho quỹ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh đã trả lại cho khách hàng 296 món tiền thừa, trị giá 922 triệu đồng. Những cán bộ trực tiếp thực hiện công việc đó thực sự là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, không vụ lợi, tất cả vì quyền lợi của khách hàng. Chị Ngô Thị Khánh Vân, Tổ trưởng Tổ Quản lý và Dịch vụ Kho quỹ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh là một trong những cán bộ như thế. Cá nhân chị đã trực tiếp trả lại cho 59 lượt khách hàng với hơn 251 triệu đồng. Chị là 1 trong 5 cá nhân được tỉnh cử đi dự buổi giao lưu tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh các tỉnh miền núi phía Bắc do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức tại Thành phố Yên Bái trong đầu tháng 12 vừa qua.

Tại buổi giao lưu, khán giả đã thực sự cảm phục về tấm lòng và sự trung thực của chị Vân, không tư lợi, vì quyền lợi của khách hàng và uy tín của ngân hàng. Chị Vân cho biết, chị đã trả lại tiền thừa cho chị Hoàng Bích Phượng, ở Công ty TNHH Thành Trung số tiền là 100 triệu đồng. Đặt mình vào hoàn cảnh đó thì mới cảm thông và hiểu được nỗi lo lắng của người mất của. Chị rất hạnh phúc khi niềm vui rạng ngời trên gương mặt chị Phượng lúc nhận lại số tiền trả thừa.

Sôi nổi các phong trào thi đua

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, nền tảng của phong trào thi đua là những công việc hàng ngày, không phải là những công việc quá cao siêu. Bác viết: “Mọi việc đều phải thi đua; thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thực hiện lờiBác Hồ dạy, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã ra sức thi đua đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nối tiếp truyền thống anh hùng, thanh niên Tuyên Quang đã thực hiện các phong trào thi đua như “Tuổi trẻ lập thân lập nghiệp”, “Thanh niên phát triển kinh tế”, “Thanh niên xung kích tình nguyện làm công tác xã hội”... Phong trào đã tác động sâu sắc đến ý thức và hành động của mỗi đoàn viên thanh niên, đặc biệt là tinh thần tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu. Anh Vũ Minh Đức, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) vừa tốt nghiệp đại học đã quyết định thành lập doanh nghiệp chuyên về xây dựng cơ bản. Anh cho biết, gia đình có truyền thống kinh doanh, anh cũng học được một số kinh nghiệm làm ăn của bố mẹ nên rất tự tin vào tương lai phát triển của doanh nghiệp. Bây giờ, nhu cầu xây dựng cơ bản ngày càng nhiều, việc mở doanh nghiệp theo anh là đi đúng hướng.

Doanh nghiệp mới đi vào hoạt động đã nhận được nhiều công trình ở xã, các xã lân cận và thi công các hạng mục công trình cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương... Trong thời gian tới, anh đầu tư thêm ô tô, máy ủi để nâng cao năng lực thi công, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh Đức tâm sự, tuổi trẻ phải xông pha, mạnh dạn để góp sức nhỏ vào sự phát triển của quê hương. Đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao của tuổi trẻ.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ chức đoàn thể đã tạo thuận lợi để các gia đình có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhiều hộ nông dân nghèo nhưng biết sử dụng đồng vốn vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã vươn lên có cuộc sống khá, giàu. Điển hình là ông La Văn Thịnh, ở thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); Nguyễn Quốc Lập, thôn Quyết Tiến, xã Lâm Xuyên (Sơn Dương)... Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được cụ thể bằng những việc làm thiết thực như tổ đổi công, tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn... giúp nhiều phụ nữ vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phong trào thi đua của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 18,58% năm 2008 xuống còn 16,65% năm 2009.

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung cuộc vận động, để tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ trở thành nền tảng đạo đức xã hội, tác động ngày càng sâu sắc đến nhận thức và hành động của mỗi người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực