Chương trình đã hỗ trợ thải độc chì cho trẻ em và người lao động tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên). Chương trình do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Công ty TNHH Pectin Technology phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm tổ chức. Đây là một trong những hoạt động của Viện để hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Phòng chống nhiễm độc chì từ ngày 23-29/10/2016, do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Tổ chức YT Thế giới phát động.
Trước đó, viện đã xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho 333 trẻ em và 107 người lao động ở làng tái chế ắc quy Đông Mai. Các nghiên cứu chỉ rõ, tại địa phương dù các cơ sở tái chế ắc quy được di dời ra khỏi khu dân cư, nhưng tình trạng nhiễm độc chì vẫn chưa được cải thiện triệt để. Các cơ sở tái chế vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động. Người dân khu vực có hàm lượng chì trong máu ở mức cao.
Chương trình cung cấp miễn phí sản phẩm Pectin Complex cho toàn bộ trẻ em và người lao động được xét nghiệm chì máu. Đây là sản phẩm hạn chế hấp thu và tăng đào thải chì ra ngoài cơ thể. Thời gian sử dụng trong 2 tháng (từ ngày 3/6/2016 đến ngày 3/8/2016).
Đồng thời, phát tờ rơi, bài truyền thông trên đài truyền thanh thôn Đông Mai hướng dẫn về phòng chống nhiễm độc chì, công dụng và hướng dẫn sử dụng sản phẩm Pectin Complex để nâng cao nhận thức cho người dân.
Đánh giá kết quả trên những đối tượng được xét nghiệm cả trước và sau can thiệp cho thấy: Nồng độ chì máu trung bình đã giảm từ 20,94 µg/dL xuống còn 16,52 µg/dL, giảm được 4,42 µg/dL, tương đương 21,1%. Người lao động có nồng độ chì máu trung bình của người lao động (n=43) giảm từ 43,79 µg/dL xuống còn 31,83 µg/dL , giảm 11,96 µg/dL, tương đương 27,32% so với trước can thiệp.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp phát biểu tại buổi tổng kết. PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết: Để khắc phục, thải độc chì cho trẻ em và người lao động có hiệu quả cần tiếp tục đánh giá hiện trạng môi trường khu dân cư và có biện pháp cải thiện nếu còn ô nhiễm. Cải thiện điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất tái chế chì, trang bị cho người lao động mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, giày dép và tắm rửa sạch sẽ sau ca làm việc.
Tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống nhiễm độc chì cho trẻ em, người lao động và cộng đồng. Định kì khám sức khỏe và xét nghiệm nồng độ chì máu. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất (ăn nhiều hoa quả, uống sữa, sử dụng sản phẩm hỗ trợ thải độc chì pectin…).