Thu hút FDI ở Hưng Yên: Vượt qua khó khăn, khẳng định thế mạnh

Thứ ba, 05/01/2010 11:52

Bất chấp những khó khăn do tác động của tình hình suy giảm kinh tế, trong năm 2009 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn đạt mức tăng trưởng ở hai con số và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt trên 17 nghìn 300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Đặc biệt, việc triển khai các dự án cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư năng động khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhanh chóng bắt nhịp xu thế phát triển của nền kinh tế toàn cầu, khẳng định hiệu quả đầu tư, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, bổ sung nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp, nâng tầm cạnh tranh về môi trường đầu tư của tỉnh. Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến hết tháng 11.2009, tỉnh Hưng Yên thu hút được 17 dự án FDI, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 176 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,27 tỷ USD. Nhìn chung, các dự án đều có tiến độ giải ngân vượt tiến độ cam kết. Giá trị sản xuất của khối công nghiệp này ước đạt 6.266 tỷ đồng. Các dự án FDI giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 2,5 vạn lao động.

Do môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng kỹ thuật thuận lợi nên trong những năm gần đây, tỉnh đã trở thành “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm khoảng 30%, Hàn Quốc 30%, còn lại là các dự án của Nhật Bản, Đài Loan, Luxambua… Trong đó có nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn như: CJ, Huyndai, Dorco (Hàn Quốc); Kintec (Đài Loan), Inax (Nhật Bản). Đặc biệt, KCN Phố Nối A còn tiếp nhận dự án của Tập đoàn Canon (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử kỹ thuật cao với tổng vốn đầu tư đăng ký 134 triệu USD, giai đoạn I có giá trị đầu tư 63,4 triệu USD; dự án xây dựng nhà máy cán nhôm và sản xuất các sản phẩm phục vụ công trình từ nhôm của Công ty Huyndai Aluminum Vina với tổng giá trị đầu tư khoảng 37 triệu USD. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều khai thác những ngành công nghiệp được đánh giá là có tỷ suất lợi nhuận cao như: điện, điện tử, gia công cơ khí và chế tạo máy... Công nghiệp FDI thời gian qua luôn khẳng định là khối kinh tế năng động, các doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động trong các doanh nghiệp này có trình độ quản lý, khả năng làm việc tốt, thích ứng nhanh trên dây chuyền công nghệ hiện đại nên giảm đáng kể chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh cao. Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh khá tốt, kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần theo từng năm… Chính từ những kinh nghiệm này mà nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ tổ chức, cơ cấu lại mô hình quản lý, tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, duy trì mức tăng trưởng từ 10-20%. Điển hình cho khối kinh tế này là Công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy (VAP), Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Inax, Công ty TNHH Foremart… Đặc biệt, các dự án nằm trong các KCN đã tận dụng được lợi thế về hạ tầng kỹ thuật nên đã nhanh chóng triển khai dự án, khẳng định được hiệu quả nguồn vốn, tiếp tục đầu tư hàng triệu USD mở rộng sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH Inax, Canon...

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, song công nghiệp FDI trong năm qua vẫn được đánh giá là điểm nhấn trong bức tranh công nghiệp của tỉnh bởi các nhà đầu tư đã tận dụng mọi nguồn lực để duy trì, thúc đẩy có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đạt mức tăng trưởng cao. Nhờ vậy dù số lượng dự án chính thức hoạt động chỉ chiếm gần 20% số lượng dự án đang hoạt động của tỉnh song giá trị sản xuất của khối này vẫn chiếm khoảng gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Tỷ suất đầu tư, cũng như tỷ suất lợi nhuận của khối công nghiệp này cũng cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với các dự án trong nước. Đặc biệt, giá trị tăng thêm của khối công nghiệp này đạt trên 10%, khoảng cách giữa giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm ngày càng được rút ngắn, điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của các dự án FDI khá cao.

Hệ thống trách nhiệm xã hội với người lao động được thực hiện một cách bài bản, tạo được sức hút, môi trường làm việc thuận lợi cũng như mức thu nhập của người lao động khá cao. Đây chính là cơ hội để người lao động phát huy được khả năng sáng tạo, sức trẻ và được động viên, khuyến khích kịp thời. Riêng năm 2009, có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, điển hình như tại Công ty LG, Công Nexan Lioa… Hoặc như ở công ty VAP, nhiều công nhân người Việt đã nhận được những phần thưởng sáng tạo trị giá hàng nghìn USD và có cơ hội học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài, một số công nhân có năng lực đã được công ty bồi dưỡng, cân nhắc, nắm những cương vị quan trọng về quản lý, kỹ thuật trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư dự án sản xuất lớn nhằm tranh thủ tiềm năng công nghệ, trình độ quản lý, thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dự án sản xuất thang máy của Công ty cổ phần Alphanam với Tập đoàn Fuji của Nhật bản, công ty Nhật Linh liên doanh với Tập đoàn Nexan Lioa (Pháp)…

Thêm một cơ hội, tiềm năng mới cho phát triển công nghiệp đầu tư nước ngoài đó là KCN Thăng Long II do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư với quy mô gần 200 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 816 tỷ đồng, tương đương 51 triệu USD. Đây là KCN tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, máy móc công nghiệp và xây dựng. Mặc dù đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, song đến nay KCN này đã tiếp nhận 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng diện tích cho thuê 15,4 ha, giá trị đầu tư đăng ký đạt 261 triệu USD. Nhìn chung các dự án có vốn đầu tư cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, điển hình như dự án của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II có tổng vốn đầu tư 21,8 triệu USD…

Để tiếp tục thu hút đầu tư, đưa công nghiệp FDI phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nằm ở những vị trí thuận lợi về giao thông, điện, thông tin liên lạc,… đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ công nghiệp phụ trợ. Các ngành chức năng cũng đã tích cực đầu tư hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện, thông tin viễn thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải; mở rộng việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến người dân và doanh nghiệp... Năm 2010, nhiều dự án lớn sau quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, kỹ thuật sẽ chính thức đi vào hoạt động, công nghiệp FDI sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực