(ĐCSVN)- Tuy không phải là trọng điểm về các vi phạm hành lang giao thông như ở các huyện khác trong tỉnh Hưng Yên, nhưng tại huyện Tiên Lữ việc lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, họp chợ, đỗ dừng xe sai quy định từ lâu đã tồn tại không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông mà còn như một sự thách thức với dư luận về vai trò của chính quyền các xã, thị trấn và các ngành chức năng.
Không ai còn nhận ra đây là tuyến đường nội thị ở thị trấn Vương huyện Tiên Lữ vào mỗi buổi chiều và buổi sáng hàng ngày.Các ô che của chủ hàng đã lấn khoảng một phần ba con đường rộng 8 mét này. Chính vì các tiểu thương tràn xuống cả đường để kinh doanh, nên người mùa hàng cứ việc dừng xe đứng ở giữa phố để mua, mặc cho ngay phía trong là khu vực đã được quy hoạch để xây dựng chợ khá khang trang. Xe tải giao hàng thì ngang nhiên đỗ hàng giờ đồng hồ tại giữa đường mà không thấy ai ra nhăc nhở hay xử lý.
Ở huyện Tiên Lữ, có ba trọng điểm về vi phạm hành lang giao thông đó là khu vực thị trấn Vương, xã Dị Chế và xã Nhật Tân. Theo thống kê của phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Lữ, tại ba địa bàn này có 102 hộ dân kinh doanh, xây dựng lều lán lấn chiếm hành lang giao thông, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông. Tập trung chủ yếu vẫn là kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở cạnh ba chợ như Chợ thị trấn Vương; chợ Ché xã Dị Chế và chợ Chùa xã Nhật Tân. Việc họp chợ tràn ra đường 200 cũ, nay là đường 376 ở xã Dị Chế và đường huyện 72 ở khu vực chợ Chùa xã Nhật Tân tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao, bởi đây là các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh và huyện, nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại, nhất là xe tải chở vật liệu xây dựng tham giao giao thông với tốc độ nhanh. Biết là nguy hiểm và vi phạm, song các hộ dân vẫn ngang nhiên kinh doanh
Không họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở gần các chợ, từ lâu nhiều hộ dân ở thị trấn Vương, khu phố Ba Hàng xã Thủ Sỹ, khu vực phố mới xã Nhật Tân, chủ yếu là người dân An Viên, phố Xuôi xã Thụy Lôi, có hộ còn lấn chiếm cả hành lang đê để làm cửa hàng kinh doanh. Việc ngăn chặn, tháo dỡ, tịch thu biển quảng cáo hoặc các hàng hóa này của ngành chức năng chỉ theo chiến dịch và có tính chất thời vụ. Tại khu vực phố Giác, chỉ có hơn 200 mét đường 378, nhưng có 30 hộ kinh doanh. Ví dụ như cửa hàng tạp hóa của anh Vũ Tuấn Đản, cửa hàng bán rèm của anh Hoàng Văn Hà bán tràn xuống lòng đường. Ngay nhà của lãnh đạo công an thị trấn cũng vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường là điều khó tránh khỏi. Nguy cơ về tai nạn giao thông luôn rình rập những người buộc phải đi xuống lòng đường, vì nơi dành cho họ từ lâu đã bị lấn chiếm.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ và các nghị định, hướng dẫn liên quan tới việc thực hiện bộ luật này, thì chức năng chính trong xử lý các vi phạm như thế này là của các xã, thị trấn. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có thể được xử phạt hành chính mức cao nhất là 10 triệu đồng và tịch thu các tang vật vi phạm. Thế nhưng, ở các địa bàn thị trấn Vương, xã Nhật Tân, xã Dị Chế, những trọng điểm về vi phạm hành lang ở Tiên Lữ, từ trước đến nay vẫn chưa xử lý một trường hợp vi phạm nào. Điều đó, cho thấy ngoài sự nể nang, thì trách nhiệm của cấp chính quyền ở đây trong xử lý hành chính lĩnh vực vi phạm trật tự giao thông còn nhiều hạn chế.
Việc dừng đỗ xe sai quy định tại lòng lề đường, thậm chí là giữa đường của các chủ xe chở vật liệu xây dựng, xe chở hoa quả, buôn bán các loại hàng khô, và cả xe của các hãng taxi từ lâu đã diễn ra phổ biến và ngang nhiên ở khu vực thị trấn Vương. Nhiều xe đỗ dừng trong thời gian khá dài để chuyển hàng, chờ khách. Như vậy, là không chỉ các hộ kinh doanh lấn chiếm hành lang, lòng đường, mà các phương tiện vận tải cũng tận dụng khoảng không gian vốn đã chật hẹp này để làm địa điểm đỗ, dừng phục vụ mục đích kinh doanh.
Người này lấn chiếm được, người khác cũng làm. Lần này được nương nhẹ, lần sau lại tiếp diễn. Đó như một quá trình lặp lại mà các hộ kinh doanh ở một số địa phương tại Tiên Lữ đang thách thức chính quyền sở tại. Bởi Khi UBND tỉnh có Kế hoạch số 149 về ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với những quy định cụ thể, thì UBND huyện Tiên Lữ cũng có Kế hoạch 117 để thực hiện chỉ đạo của tỉnh. Với những mốc thời gian và công việc khá rõ ràng phân công cho các địa phương và ngành chức năng là sẽ tiến hành giải tỏa hơn 100 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông trong tháng 9 năm nay. Mong rằng, việc triển khai của huyện sẽ có hiệu quả thiết thực, thay vì làm theo kiểu “ bắt cóc bỏ đĩa” như các lần trước.