Đưa điện ra 5 xã đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc

Thứ bảy, 06/12/2014 19:35

Đến xã đảo Ngọc Vừng trong những ngày này, không ai bảo ai, chỗ nào cũng thấy bàn tán thông tin họ sắp có điện lưới quốc gia. Vui nhất là chị Phạm Thị Dung ở thôn Bình Minh. Là người sinh ra và đã gắn bó với hòn đảo này 41 năm.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: baocongthuong.com.vn)

Chị Dung tâm sự: Trước đây, gia đình phải dùng điện bằng máy phát tốn kém mỗi tháng sơ sơ cũng 700.000 đồng mua dầu, mà nhà cũng chỉ dám chạy vào buổi tối từ 1-2 tiếng, còn chủ yếu là dùng bình ắc quy cho thắp sáng, xem tivi và chạy quạt.

Làm nông nghiệp và đi biển nên từng ấy năm gia đình cũng tích cóp xây được căn nhà mái bằng khang trang nhưng trang thiết bị sử dụng điện thì chưa có nhiều. “Khi có điện của Nhà nước, chắc chắn tôi sẽ sắm thêm chiếc tủ lạnh. Có điện nhà nhà đều sáng, đi lại thuận tiện vào buổi tối, không phải như trước đây nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ sớm vì không biết đi đâu. Chúng tôi chỉ mong muốn ngoài đảo có điện lưới để người dân ở đây sẽ được hưởng thụ như đất liền. Phải nói từ đáy lòng mình dân trong thôn không thể ngờ sắp được hưởng sự sung sướng này”, chị Dung mừng rỡ.

Còn anh Phạm Văn Hưng, người thôn Bình Ngọc phấn khởi không kém. Anh cũng là lớp người sinh ra và lớn lên trên đảo. Thế mà cách đây 11 năm, chỉ vì cuộc sống khó khăn và thiếu thốn do xã đảo chưa có điện lưới nên đã khiến anh mua đất ở Vân Đồn với mong muốn chuyển con cái ra đất liền ăn học. Anh kể: Hiện nhà nào có điều kiện thì mới dám dùng điện máy nổ. Riêng nhà anh chạy máy công suất 15kW cũng thực sự tốn kém. Mỗi tháng tiêu khoảng 3 triệu tiền dầu mà cũng chỉ dám dùng 3-4 tiếng/ngày cho điện sinh hoạt, xem ti vi, bơm và hàn sì.

Anh Hưng nói: “Nay được Nhà nước quan tâm kéo điện lưới quốc gia ra đảo, dân không phấn khởi sao được, đặc biệt các cháu có ánh sáng điện để học hành tốt hơn. Riêng cá nhân tôi đã từ bỏ hẳn ý định rời nơi chôn rau cắt rốn, quyết tâm ở lại bám đảo”. Không những vậy, anh còn có ý tưởng tu sửa và mở rộng nhà nghỉ của mình để đón khách du lịch đến với Ngọc Vừng khi xã đảo có điện lưới quốc gia.

Xã đảo Ngọc Vừng có diện tích hơn 40km2, cách trung tâm đất liền 45km đường biển. Nơi đây ngày 12/11/1962, Bác Hồ đã đến thăm nhân dân và cán bộ trên đảo. Xã có gần 300 hộ với trên 1.000 nhân khẩu thuộc 4 thôn; trong đó, hai thôn làm nông nghiệp (cấy lúa và trồng màu) và hai thôn làm ngư nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, nuôi cá và hải sâm cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch xã Ngọc Vừng cho biết: Trước khi có dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo, bà con chủ yếu dùng máy phát diesel, vài ba nhà dùng chung và chỉ dùng cho xem ti vi, mỗi ngày được vài 3 tiếng. Sau này điện đã được phủ kín đến các hộ dân xã đảo dựa vào 220 tấm pin mặt trời do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Tổ chức phi Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh tặng, người dân tự mua bình ắc quy nhưng cũng chỉ dùng được cho thắp sáng và xem ti vi.

Hiện đường điện hạ thế đã về đến ngõ của các gia đình khiến người dân mừng vui, hồ hởi lắm. Có điện, sau này tiềm năng của Ngọc Vừng sẽ phát triển được tất cả các dịch vụ du lịch với bãi tắm đẹp dài 3km. Đây sẽ là động lực lớn cho bà con phát triển kinh tế gia đình bên cạnh nghề mũi nhọn là đánh bắt thủy hải sản. Chị Phượng bày tỏ.

Mong muốn đẩy nhanh tiến độ đóng điện trước Tết nguyên đán khiến bà con nơi đây đồng lòng tự nguyện ký cam kết hiến đất cho đơn vị thi công đường điện đi qua. Đã có hơn 100 hộ dân hiến đất để trồng cột với tổng diện tích 327m2. Hộ nhiều nhất hiến 40m2. “ Niềm vui sẽ được nhân đôi với xã đảo này khi bà con trong xã được đón cái tết Ất Mùi trong ánh sáng điện không bao giờ tắt. Bên cạnh phát triển kinh tế địa phương, người dân xã đảo còn phát triển nghề đánh bắt thủy sản để bám đảo, giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Lời Bác căn dặn khi đến đảo: “Người dân xã đảo phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá…, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo” sẽ trở thành hiện thực khi có điện”, chị Phượng nói.

Xã Ngọc Vừng chỉ là 1 trong số 5 xã của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ được đón điện lưới quốc gia vào cuối năm 2014 do Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý dự án. Dự án cấp điện ra 5 xã đảo này gồm Quan Lạn, Bản Sen, Minh Châu, Thắng Lợi và Ngọc Vừng cấp điện cho 2.568 hộ được thực hiện sau dự án đưa điện lưới quốc gia ra phát triển kinh tế huyện đảo Cô Tô. Dự án được tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quyết tâm thực hiện nhằm tạo cơ sở hạ tầng ban đầu cho việc xây dựng và phát triển Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành một vùng đảo kinh tế năng động, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ an ninh-quốc phòng và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Chính vì mục tiêu này mà dự án có nhiều thuận lợi, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng; trong đó ngành điện góp 200 tỷ đồng, còn lại là tỉnh Quảng Ninh, nguồn vốn được đáp ứng đầy đủ, cơ chế nhanh và chủ đầu tư có kinh nghiệm trong việc đưa điện về nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án còn gặp không ít khó khăn do đảo nằm xa đất liền, tuyến đường dây trên không đi qua nhiều địa hình núi cao, hiểm trở, có nhiều khoảng vượt biển lớn và cách xa đất liền.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, ông Phùng Kim Đại cho biết, cảng của các xã đảo chủ yếu là cảng nhỏ phục vụ cho đi lại của người dân nên trong quá trình thi công, nhà thầu phải tính con nước mới có thể vận chuyển với khối lượng khổng lồ hơn 1.500 cột hạ thế, gần 800 cột trung thế, vật tư, vật liệu qua cảng. Riêng tuyến đường dây trung thế cấp điện cho đảo Thắng Lợi và đảo Ngọc Vừng phải làm cột cao 98m, chiều dài hơn 1.200m để đảm bảo cho tàu lớn qua lại.

Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư cùng với nhà thầu vừa phải thi công đảm bảo tiến độ dự án nhưng đồng thời vẫn phải có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái rừng quốc gia. Đồng thời, để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án, Công ty Điện lực Quảng Ninh thường xuyên đôn đốc nhà thầu, bám sát hiện trường để tháo gỡ ngay những vướng mắc, khó khăn, từ đó có những phương án điều chỉnh kịp thời.

Theo ông Đại, hiện dự án đã hoàn thành được 80% khối lượng công việc. Ngày 2/12 đã đóng điện xã Bản Sen (250 hộ đã có điện). Đến cuối tháng 12/2014 sẽ đóng điện 4 xã đảo còn lại. Đây là dự án có suất đầu tư cao, , hơn 100 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, để vận hành hơn 80km đường dây trên không vượt biển và qua nhiều núi, Công ty đã phải đào tạo đội ngũ công nhân vận hành có tay nghề cao. Trong giai đoạn 2015-2016, Công ty sẽ đưa điện lưới quốc gia đến các xã đảo còn lại của tỉnh Quảng Ninh như Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Trần (huyện Cô Tô), hoàn thành trước mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 là 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện.

Như vậy tính đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã cấp điện đến 99,8% hộ dân, còn 0,2% hộ với các thôn khe bản chưa có điện, với khoảng 1.800 hộ. Hiện tỉnh đã có dự án đầu tư 150 tỷ đồng đưa điện đến số hộ này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực