Nếu “trỗi dậy” bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ đánh mất nhiều thứ

Thứ năm, 10/07/2014 08:44

(ĐCSVN) – Trung Quốc nếu còn tiếp tục phô diễn sức mạnh quân sự trên Biển Đông, thực hiện sự “trỗi dậy” bằng mọi giá, đạp bằng lợi ích cốt lõi của các quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn mình, nhằm đòi hỏi yêu sách chủ quyền một cách phi lý, thì Trung Quốc sẽ mất đi rất nhiều thứ trong đó phải kể đến một “sức mạnh mềm” - sức mạnh về ngoại giao mà họ đã dày công xây dựng suốt nhiều năm qua, mất đi hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc thân thiện với các quốc gia láng giềng.

 

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc hung hăng ngăn cản, ép đuổi, đâm va, phun vòi rồng
vào tàu Kiểm ngư của Việt Nam.  (Ảnh: Trần Quỳnh)

Những động thái mới nhất cho thấy, các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc trên Biển Đông dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí có chiều hướng phức tạp khó lường trong thời gian tới. Trong 2 tháng qua, Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tàu các loại, kể cả tàu chiến cùng máy bay quân sự xung quanh giàn khoan, gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải quốc tế cũng như việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống của ta.

Trong thời gian này, nhiều tàu cá của Việt Nam cũng bị phía Trung Quốc uy hiếp hàng trăm lần bằng các hành động thô bạo như ném đá, phun vòi rồng và đâm húc, làm 17 tàu cá của Việt Nam thiệt hại (đặc biệt trong đó có tàu cá Đà Nẵng số hiệu ĐNa-90152 bị đâm chìm vào ngày 26/5), nhiều tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị đâm hỏng khi đang thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương hàng chục kiểm ngư viên và ngư dân.

Chưa hết, sáng 3/7, tàu cá mang số hiệu QNg 94912 TS gồm 6 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống đã bị phía Trung Quốc bắt giữ.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cố ý tuyên truyền sai lệch lịch sử cho người dân trong nước của họ, bằng cách đưa “đường lưỡi bò” vào hệ thống Sách giáo khoa bậc trung học (trung học phổ thông, trung học cơ sở), bằng mọi lý lẽ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc đã cho ra bản đồ khổ dọc lớn lần đầu tiên, cũng với luận điệu “phục vụ người dân Trung Quốc”, họ tự vẽ ra đường 10 đoạn thay bằng 9 đoạn trước đây, rồi ngang nhiên công bố ra thế giới, nhằm thực hiện ý đồ biến Trung Quốc thành cường quốc về biển và hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”.

Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục với luận điệu sai trái, đổi trắng thay đen, lần lượt bao biện cho những việc làm trên, ngày 4/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lu loa rằng: “Thời gian qua, phía Trung Quốc đã liên tục yêu cầu Việt Nam dừng các hành vi gây rối quanh khu vực doanh nghiệp Trung Quốc tác nghiệp bình thường, dừng mọi hành động xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc và rút ngay tàu thuyền về, nhưng phía Việt Nam vẫn ngang ngược va chạm với tàu Trung Quốc trong vùng biển liên quan. Việc phía Việt Nam gây căng thẳng tại vùng biển này là trái với luật pháp và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế”. Còn đối với việc ra tấm bản đồ khổ dọc, ngày 25/6, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói "Mục đích của bản đồ mới là phục vụ người dân Trung Quốc, cho nên bên ngoài đừng chú ý quá nhiều đến bản đồ đó".

Những phát ngôn đổ lỗi trắng trợn khi không có bằng chứng kiểu đó đã bị dư luận không mấy khó khăn để phân biệt đúng sai đồng thời Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Sự “trỗi dậy” không chỉ bằng vũ lực

Những động thái trên của Trung Quốc đã đi ngược lại cái mà Trung Quốc gọi là “sự trỗi dậy hòa bình", đồng thời đã làm dư luận quốc tế bất bình và phản ứng gay gắt. Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn bất chấp tất cả, coi thường luật pháp quốc tế gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là 1 thành viên đã ký kết, đạp lên lợi ích của các quốc gia láng giềng trong đó có Việt Nam.

Theo các nhà quan sát và chuyên gia Quốc tế, Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng pháp lý, bằng chứng lịch sử nào bảo vệ cho những yêu sách của họ, ngay cả “đường lưỡi bò”, Trung Quốc gọi là đường 9 đoạn mà gần đây là 10 đoạn (thêm 1 đoạn nằm phía trên Đài Loan) Trung Quốc cũng không có cách gọi thống nhất.

Qua hàng loạt các động thái trong thời gian gần đây, sau mỹ từ “sự trỗi dậy” hòa bình mà Trung Quốc sử dụng trong các diễn đàn khu vực và thế giới cho thấy, phải chăng đây là sự trỗi dậy hòa bình như Trung Quốc đã từng khẳng định, hay là một sự “trỗi dậy” của một nước lớn vô trách nhiệm, đạp bằng các lợi ích của các nước khác bằng cách sử dụng vũ lực?
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 3/7, biện pháp đấu tranh pháp lý cũng đã được phía Việt Nam tính đến. Bởi đây là biện pháp hòa bình văn minh được Hiến chương Liên hợp quốc ủng hộ. Ông Lê Hải Bình khẳng định “Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,”.

Ngày 3/7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đề nghị lưu hành làm tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết, Trung Quốc nếu còn tiếp tục phô diễn sức mạnh quân sự trên Biển Đông, thực hiện “trỗi dậy” bằng mọi giá, đạp bằng lợi ích cốt lõi của các quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn mình, nhằm đòi hỏi yêu sách chủ quyền một cách phi lý, thì Trung Quốc sẽ mất đi rất nhiều thứ trong đó phải kể đến một “sức mạnh mềm” - sức mạnh về ngoại giao mà họ đã dày công xây dựng suốt nhiều năm qua, mất đi hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc thân thiện với các quốc gia láng giềng. Gây quan ngại và mất đi sự ủng hộ cần thiết, thậm chí là sự phản ứng cần thiết của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong quá trình hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc.

Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang “trỗi dậy”, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc nên thể hiện trách nhiệm cùng các nước láng giềng, cần phải tôn trọng luật pháp và những chuẩn mực quốc tế./. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực