Bài 1: Thực trạng tuyển sinh của các trường dự bị đại học dân tộc

Loạt bài: GỠ KHÓ CHO CÁC TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN TỘC
Thứ tư, 26/08/2020 10:00
(ĐCSVN) - Trường dự bị đại học dân tộc là trường chuyên biệt nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Hiện nay, các trường dự bị đại học dân tộc đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách cả trước mắt và lâu dài...
leftcenterrightdel
 Một giờ học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương - ảnh: Trần Quỳnh

Toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học dân tộc, gồm: Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương, Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh; 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có hệ dự bị đại học dân tộc (Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc); 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các Trường: Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ và Đại học Trà Vinh, với tổng quy mô đào tạo trên 5.000 học sinh/năm. Từ năm học 2020 - 2021, Học viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc cũng tham gia tuyển sinh hệ dự bị đại học dân tộc, quy mô ban đầu 35 học sinh/năm.

So với khối lượng đồ sộ các trường đại học cả trong và ngoài công lập hiện nay thì số lượng trường dự bị đại học dân tộc như vậy không phải là nhiều. Tuy nhiên, các trường dự bị đại học dân tộc gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù học sinh của các trường này được hưởng rất nhiều ưu đãi như: Học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng, 12 tháng/năm; được miễn học phí; được hỗ trợ tiền tàu, xe nghỉ hè hoặc nghỉ tết; học phẩm, tiền điện, nước, bảo hiểm y tế…

Những khó khăn từ nguyên nhân khách quan

Theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), sở dĩ hiện nay, các trường dự bị đại học dân tộc gặp nhiều có khăn trong công tác tuyển sinh nguyên nhân là do số xã đặc biệt khó khăn, tức địa bàn tuyển sinh của các trường này ngày càng giảm. Chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, đặc biệt là chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú, nên tỷ lệ học sinh đỗ thẳng vào các trường đại học đã đạt khoảng 55%, một số trường đạt tới trên 90% (Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình...).

Bên cạnh đó, cơ chế tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng có nhiều đổi mới. Các trường đại học sử dụng mọi hình thức để tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường còn lấy điểm chuẩn thấp hơn cả điểm chuẩn của hệ dự bị đại học. Do đó, học sinh có rất nhiều cơ hội đỗ thẳng vào các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng tình với đánh giá này, bà Hồ Thị Bích Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cho biết thêm, 70% học sinh nhập học ở tổ hợp môn Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - Sử chọn học dự bị đại học với mục đích ôn tập lại kiến thức để tiếp tục thi trung học phổ thông quốc gia lấy điểm xét tuyển vào các trường khối An ninh, Quân đội, Cảnh sát. Tuy nhiên, bản thân các trường này cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh dẫn tới lượng học sinh người DTTS có nguyện vọng thi vào khối các trường này tiếp tục giảm, điều này gián tiếp làm cho số lượng học sinh đăng ký vào học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cũng giảm khoảng 20%. Đối với học sinh nhập học ở tổ hợp môn Toán - Hóa - Sinh thì có tới 95% có nguyện vọng theo học ngành bác sĩ đa khoa của các trường Y - Dược, trong khi chỉ tiêu phân bổ của Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương vào ngành bác sĩ đa khoa bị giảm, dẫn đến nhà trường không đáp ứng được nguyện vọng của các em học sinh.

Mặt khác, hiện nay, công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp ngày càng phát triển, sự phân luồng học sinh rất rõ ràng. Nhiều học sinh đã chọn cho mình con đường học nghề để phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu của xã hội. Quan niệm con đường đi học đại học để có “cái nghề” đã không còn đúng ở cả hiện tại và tương lai. Hơn nữa, bản thân các trường cao đẳng nghề cũng đã tuyển sinh cả hệ trung học phổ thông và học sinh sau khi theo học các trường này sẽ vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có bằng nghề.

Và nguyên nhân có tính chất đặc thù vùng, miền, dân tộc

Nhìn chung, đối với dân tộc Kinh và ở vùng thành thị, tỷ lệ đi học từ tiểu học, đến bậc trung học cơ sở và cuối cùng là trung học phổ thông cơ bản không thay đổi, nghĩa là một em học sinh sẽ học đầy đủ từ cấp tiểu học đến hết trung học phổ thông. Nhưng với học sinh vùng DTTS và miền núi thì có sự khác biệt lớn: Nếu như tỷ lệ đi học cấp tiểu học là 100%, thì đến cấp trung học cơ sở đã giảm còn 85,8%, và đến cấp trung học phổ thông chỉ còn 50,7%, trong đó tỷ lệ nữ bỏ học nhiều hơn nam. Điều đó cho thấy tỷ lệ bỏ học của học sinh người DTTS là rất lớn. Có rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ tính chất đặc thù của vùng DTTS và miền núi.

leftcenterrightdel
Bảng tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học ở các cấp học (nguồn: kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019) - Thiết kế bảng: Trần Quỳnh

Vùng DTTS và miền núi chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 thì tính đến thời điểm 01/4/2019, vùng DTTS và miền núi có dân số trên 14,1 triệu người, chiếm 14,68% dân số cả nước.

Do đặc thù của vùng DTTS và miền núi có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, độ dốc cao, thường xuyên xảy ra thiên tai nên hiện vẫn đang được xếp vào diện chậm phát triển so với các vùng khác trong cả nước. Kinh tế khó khăn nên sự nghiệp giáo dục đào tạo tại địa bàn này cũng trong tình trạng tương tự. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, so với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông (THPT) của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT - vốn là nguồn tuyển của hệ dự bị đại học, tuy tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9% so với năm 2015 song cũng mới chỉ là 50,7%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp trung học phổ thông của trẻ em DTTS là 47%. Một số dân tộc có tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp THPT thấp dưới 30% như: Mông, Ba Na, Gia Rai, Mnông, Raglay, Xtiêng.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các em học sinh người DTTS cũng khá thấp: Chỉ có 18/53 DTTS có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 10% (dân tộc Ngái có tỷ lệ cao nhất là 21,3%). Và trong số 35 DTTS có tỷ lệ học tốt nghiệp THPT dưới 10%, thì có tới 10 DTTS có tỷ lệ dưới 5% (dân tộc La Hủ có tỷ lệ thấp nhất là 2,8%).

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của 5 dân tộc đầu bảng và 5 dân tộc cuối bảng xếp hạng (nguồn: kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019) - Thiết kế Infographic: Trần Quỳnh

Đồng bào các DTTS chủ yếu sinh sống tại địa bàn có điều kiện tự nhiên, xã hội đặc biệt khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế nghèo nàn, tiếp cận dịch vụ công cộng gặp khó khăn do khoảng cách từ nhà đến các cơ sở cung cấp dịch vụ còn xa. Trong đó, các dân tộc Ơ Đu, Mảng, Cống, La Ha và Si La có khoảng cách từ nhà đến trường học thuộc nhóm xa nhất.

Khoảng cách từ nhà đến trường THPT của học sinh dân tộc thiểu số tương đối xa. Kết quả Điều tra cho thấy, học sinh THPT của các hộ DTTS cần di chuyển trung bình 10,9 km để đến trường. Mặc dù, khoảng cách từ nhà đến trường THPT của dân tộc Ơ Đu và Rơ Măm đã giảm đáng kể so với năm 2015, giảm lần lượt là 18 km và 15 km nhưng học sinh THPT của các hộ thuộc hai nhóm dân tộc này hiện vẫn phải di chuyển quãng đường rất xa mới có thể đến trường, tương ứng là 52,2 km và 44,3 km. Đường đến trường quá xa, kinh tế gia đình khó khăn là những rào cản lớn cơ hội đến trường trung học phổ thông của học sinh DTTS.

Ngoài ra còn phải kể đến cơ hội tiếp cận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng tìm hiểu thông tin về trường đào tạo sau khi kết thúc chương trình học phổ thông của học sinh DTTS tại các bản làng xa xôi hẻo lánh là rất khó khăn. Hiện nay, một số dân tộc có tỷ lệ hộ sử dụng ti vi rất thấp, dưới 50%, bao gồm: La Hủ (35,3%), Mông (40,3%), Mảng (43,5%) và Cờ Lao (46,9%). Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng đài (radio, casetts) hiện chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ với 7,2% tổng số hộ DTTS, không thay đổi nhiều so với năm 2015 (7%). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 6,9%, thấp hơn khu vực thành thị 2,3 điểm phần trăm. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng máy vi tính là 10,3%, tăng 2,6% so với năm 2015. Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cũng cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ hộ sử dụng máy vi tính giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, tương ứng là 33,3% so với 6,7%. Điều này phản ánh sự chênh lệch về trình độ phát triển công nghệ thông tin giữa hai khu vực.

Tổng hợp những nguyên nhân trên đã khiến 3/4 trường dự bị đại học dân tộc trong cả nước không tuyển đủ chỉ tiêu được giao hàng năm, trừ Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương./.

Mời đọc bài 2: Những hệ quả của việc gặp khó khăn trong tuyển sinh ở các trường dự bị đại học dân tộc

 

Phương Liên - Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực