Bến Tre chuyển đổi số trong 4 lĩnh vực

Thứ tư, 21/10/2020 10:56
(ĐCSVN) – Trong Đề án Chuyển đổi số, tỉnh Bến Tre xác định chuyển đổi số 4 lĩnh vực ưu tiên trước mắt gồm y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch. Tổng kinh phí thực hiện đề án chuyển đổi số của Bến Tre là 1.285.920 triệu đồng, lấy từ ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Huyền Trang) 

Chiều 20/10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã công bố quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch nhằm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và công tác truyền thông triển khai thực hiện Đề án. Đây là đề án đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết số 01 của Ban chấp hành Đảng bộ Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Do đó, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.

 Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu công bố Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. (Ảnh: Huyền Trang)

Tại Hội nghị, ông Trịnh Minh Châu – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ các mục tiêu của đề án đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh;… Kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 5%; Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Trước mắt, tỉnh xác định chuyển đổi số 4 lĩnh vực ưu tiên gồm y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch.Tổng kinh phí thực hiện đề án chuyển đổi số của Bến Tre là 1.285.920 triệu đồng, lấy từ ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Huyền Trang) 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức khẳng định đề án chuyển đổi số là quyết tâm của tỉnh, nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo bộ, ngành, và các doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre thành kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số và bố trí ngân sách để đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân, tổ chức tiếp cận, làm quen và tin tưởng với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, thay đổi dần thói quen nộp hồ sơ theo hình thức truyền thống. Cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã phải là những người đi đầu trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính.

Mặt khác, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá chọn ít nhất 1 xã/phường; 1 huyện/thành phố để triển khai thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số, từ đó, đánh giá rút kinh nghiệm, làm cơ sở để phát triển nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực