Các trường đại học sẽ bị hạ thấp uy tín nếu hạ thấp điểm sàn

Thứ sáu, 27/04/2018 19:47
(ĐCSVN) – "Với sự lên tiếng của dư luận, các trường cũng sớm nhận thấy việc hạ thấp điểm sàn đồng nghĩa với việc sẽ hạ thấp uy tín, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời...”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. 90% thí sinh chọn đăng ký 5 tổ hợp truyền thống gồm: A00: Toán, Lí, Hóa; D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; A01: Toán, Lí, Anh văn; B00: Toán, Hóa, Sinh; C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí.

Đó là thông tin bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cung cấp cho báo chí tại buổi họp báo ngày 27/4.

Cũng theo bà Kim Phụng, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định "các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo". Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.

Thống kê chi tiết nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp như sau: 

TT

Mã tổ hợp

Bài, môn xét tuyển

Năm 2018

năm 2017




Số NV

Tỷ lệ

Số NV

Tỷ lệ

1

A00

Toán, Vật lí, Hóa học

848.444

30,83%

883.768

34,59%

2

D01

Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán

743.246

27,01%

608.632

23,82%

3

A01

Toán, Vật lí, Tiếng Anh

352.149

12,80%

286.760

11,22%

4

C00

Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí

279.742

10,17%

277.722

10,87%

5

B00

Toán, Hóa học, Sinh học

259.317

9,42%

282.984

11,08%

6

 

Các tổ hợp còn lại

 

10,49%

 

8,42%

Vì vậy, có thể thấy không phải cứ nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thông tin về điểm sàn xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên. Xét về nguyên tắc, tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình.

Bộ cũng yêu cầu các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỉ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học. Trên cơ sở đó, thí sinh đã có cơ sở để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình. Các kênh thông tin truyền thông của đài, báo cũng là nguồn hỗ trợ hiệu quả giúp thí sinh định hướng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

”Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình, trong đó, có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra. Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi THPT quốc gia, trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển”- bà Kim Phụng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng không loại trừ khả năng có trường nhận biết được khó khăn, yếu kém của mình nên chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào  thấp, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để có thí sinh vào học.

Để không xảy ra tình trạng này, chuẩn bị bước vào mùa thi tuyển sinh năm nay, Bộ cũng đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm hai năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn ngành.

Thực tế, có một vài trường đã dự kiến thông báo xét tuyển với ngưỡng đầu vào thấp. Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng của nhà trường do chưa có kết quả thi nhưng hiện tượng đó cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở này điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh.

Đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của trường; kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

"Với sự lên tiếng của dư luận, các trường cũng sớm nhận thấy việc hạ thấp điểm sàn đồng nghĩa với việc sẽ hạ thấp uy tín, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ theo sát diễn biến việc này, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với trường xác định điểm sàn thấp”- bà Kim Phụng khẳng định./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực