Cần làm gì để phòng ngừa cháy, nổ ô tô?

Thứ ba, 30/06/2020 18:42
(ĐCSVN) - Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, nổ ô tô ở một số địa phương khiến nhiều chủ phương tiện và lái xe bất an. Để tìm hiểu về nguyên nhân và nắm được các biện pháp chủ động phòng ngừa, chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với một số chuyên gia.

Vụ cháy xe khách giường nằm xảy ra ngày 18/6 tại Km12+400 cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Ảnh: Toquoc.vn)

Vụ cháy xe khách giường nằm xảy ra ngày 18/6 vừa qua tại Km12+400 cao tốc Nội Bài – Lào Cai là một trong số nhiều vụ cháy, nổ xe ô tô xảy ra ở một số địa phương trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cho rằng việc cháy, nổ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ xe cần phải biết cách bảo dưỡng, chăm sóc để hạn chế tình trạng này. Thêm nữa, việc cháy, nổ không riêng gì ô tô, xe khách, mà cả xe máy nếu không chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ cũng dẫn đến cháy, nổ.

Đa số vụ cháy nổ từng xảy ra trong khi phương tiện đang lưu thông trên đường, nên nguy hiểm càng nhân lên gấp bội, nhất là khi thời tiết nắng nóng cao độ kéo dài.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Lê Văn Tạch, từng là nhân viên của Toyota Việt Nam (hiện đang là chủ một garage ô tô ở Vĩnh Phúc) cho biết: Liên quan đến vấn đề xe ô tô đang di chuyển mà bị bốc cháy thì có nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan như rơm rạ hay vật dễ cháy mắc vào phần cổ ống xả rồi bén lửa làm cháy xe. Nguyên nhân chủ quan thường bắt nguồn từ sự chạm chập trên hệ thống điện và hệ thống dẫn nhiên liệu của xe bị rò rỉ.

Nguyên nhân dẫn đến chạm chập điện thì thường do hệ thống điện nguyên bản của xe bị chích nối một cách tuỳ tiện để lắp thêm các phụ tải, khiến hệ thống bị cắt chích có nguy cơ bị quá tải gây cháy dây điện. Ngoài các mối nối không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cũng khiến mối nối có nguy cơ gây chạm chập, rồi bắt lửa vào khu vực rò rỉ nhiên liệu hoặc vật liệu dễ cháy trong quá trình vận hành xe.

Nhấn mạnh về nguyên nhân của các vụ cháy xe nói chung, kỹ sư Tạch cho biết: Thực tế để xe ô tô cháy được thì cần ba yếu tố: nguồn lửa, vật liệu dễ cháy và oxy. Riêng yếu tố thứ hai và thứ ba thì xe nào cũng sẵn. Vậy nên chỉ còn phụ thuộc vào yếu tố thứ nhất.

“Trên xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong thì phần cổ xả thường rất nóng nên nếu vật liệu dễ cháy như rơm rạ bị mắc vào đó có thể gây cháy xe. Ngoài ra trên xe có rất nhiều các loại bulong tiếp mát. Các bulong này thường được mạ một lớp vật liệu đặc biệt vừa để tăng khả năng dẫn điện và chống gỉ sét. Lực siết với mỗi bulong này được xếp vào hạng mục đặc biệt quan trọng nên trong nhà máy chúng được siết đúng giá trị moment và có hệ thống giám sát đặc biệt để được đảm bảo rằng chúng được siết đúng giá trị lực. Nếu như một trong những con bulong này bị lỏng thì có thể dẫn đến hiện tượng mô ve đánh lửa và gây cháy xe” – Kỹ sư Tạch nhận định.

 Kỹ sư Lê Văn Tạch. (Ảnh: KC)

 Ông Bùi Đình Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho hay, một xe khách và xe vận tải đều chạy đường dài nhưng xe khách lại có khả năng gây cháy, nổ cao hơn. Lý do là xe khách có vận chuyển thêm hành lý, có khi vận chuyển cả xe máy dưới hầm xe. Trường hợp xe khách vận chuyển xe máy nhưng chưa rút hết xăng, làm đổ xăng ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ.

Còn chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng thì cho rằng không những đối với ô tô, xe khách mà các loại xe nói chung (chạy bằng xăng, dầu) cũng dễ phát cháy nếu bị nhỏ nhớt ở bộ phận ống xả.

Theo chuyên gia Đồng, khi xe đang vận hành, gầm máy bị nóng, nhiều vị trí nóng lên đến 800-1.000 độ C (tùy theo vận tốc chạy hay khi lên dốc). Trong khi đó, nhiều xe sử dụng tubor không đúng quy định của nhà sản xuất, mà các loại xe ở Việt Nam người dùng không chú trọng đến bộ phận này. Người dùng chỉ quan tâm rằng khi tubor bị chảy nhớt thì tháo ra và đi sửa mà không quan tâm đến việc thay thế này có đảm bảo an toàn hay không, trong khi đây lại là vị trí dễ gây cháy, nổ.

Ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, tình trạng xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn gây ra quá trình phát sinh nhiệt, hệ thống nhiên liệu rò rỉ, hệ thống ống xả không kín cũng thường gây ra hiện tượng cháy. Đặc biệt, hệ thống điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy nổ phương tiện. Trên thực tế, gần như 100% xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện nên nguy cơ chập điện và cháy nổ rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống dây dẫn đến các loại thiết bị chế thêm như tivi, tủ lạnh cũng dễ xảy ra chập, cháy.

Ngoài ra, theo các chuyên gia khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa và để phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới hơn 90 độ C. Vì vậy, trên xe có chứa các vật dụng gây hội tụ ánh sáng như các nút cao su trắng dính vào kính chắn gió, chai nước sẽ tạo ra một vùng nhiệt tăng đột biến chiếu vào trong xe, nếu chùm sáng hội tụ đó chiếu vào bề mặt dễ cháy, đồng thời bề mặt đó đang rất nóng có thể sẽ dẫn đến bốc cháy.

Thực tế, khi sử dụng xe, nhiều người có thói quen để các vật dụng trên xe như bật lửa, nút dán kính, chai nước nhựa… dưới kính lái. Trong khi đó, góc chiếu của ánh nắng, hình dạng và độ trong của vỏ chai, chai đựng đầy nước, vật liệu dễ bắt lửa... sẽ rất nguy hiểm khi xe để quá lâu ngoài trời với nhiệt độ cao…

Nói về các biện pháp đề phòng nguy cơ cháy, nổ ô tô, các chuyên gia đều khuyến cáo: Thứ nhất, chủ phương tiện cần thường xuyên kiểm tra để tầm soát hiện tượng rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu… bởi đây là nguồn dễ bắt lửa gây cháy.

Thứ hai, nhiệt độ bên ngoài cũng là tác nhân gây cháy nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng như hiện nay. Cụ thể, nhiệt độ ngoài trời 35-37 độ C cũng đủ là xúc tác gây cháy. Do vậy khi trời nắng, lái xe cần chú ý khi đỗ xe phải tìm nơi râm mát; cần che phủ bạt khi đậu ngoài trời nắng nóng. Nếu di chuyển liên tục đường dài nên có thời gian cho máy nghỉ theo khuyến cáo của từng hãng xe.

Thứ ba, chủ xe, tài xế cần lưu ý trong quá trình di chuyển tránh không để bị quấn vào một số vật dụng dễ cháy, ví dụ như vào mùa gặt thì xe bị quấn rơm, rạ dọc đường, khi chạy làm cho ma sát cao gây cháy, nổ.

Thứ tư, không để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như hóa chất dưới gầm xe, đồ cá nhân của khách hàng với xe khách và các vật dụng cá nhân gây nguy cơ cháy ở xe con.

Cuối cùng cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ phòng tránh hiện tượng chập điện. Đặc biệt cần tránh đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, hạn chế việc đấu nối thêm phụ tải điện trên xe vì có thể gây quá tải cho hệ thống điện của xe; trang bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để sử dụng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, chủ xe cần quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng toàn bộ xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành trơn tru, an toàn./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực