Càng đi xa càng trân trọng hương vị Tết quê nhà

Thứ năm, 11/02/2010 15:23

(ĐCSVN)- Lại thêm một cái tết nữa với nhiều du học sinh Việt Nam không có điều kiện về quê đón tết, không được hưởng không khí tất niên sum họp cùng gia đình. Dù vậy, ở nước ngoài xa xôi họ vẫn cùng nhau chuẩn bị một cái tết thật vui vẻ để chào đón năm mới Canh Dần.

 
 Đinh Mai Long - du học sinh Anh
Ăn Tết xa nhà thấy yêu thương gia đình nhiều hơn

Đinh Mai Long là du học sinh vừa tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính và Phát triển tại Anh. Long đã học tại Anh quốc trong 4 năm (3 năm đại học và 1 năm thạc sỹ), do bên Anh không nghỉ Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, mọi hoạt động học tập vẫn diễn ra bình thường, nên Long cũng đã có 4 năm liền ăn Tết xa nhà. Long kể: “Vào ngày Tết, các du học sinh thường tụ tập quây quần lại với nhau và nấu các món ăn đặc trưng cho ngày Tết ở Việt Nam, dù nguyên liệu không phải lúc nào cũng sẵn có để nấu các món đó. Ở các trường có đông sinh viên Việt Nam (SVVN) theo học, như ở trường em thì dịp này SVVN thường tổ chức các hoạt động để vừa tụ tập đón Tết với nhau vừa giới thiệu văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế như giới thiệu các món ăn Việt Nam, biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của Việt Nam.

Điều mà em và du học sinh rất tâm đắc là thông qua các hoạt động này chúng em không chỉ có dịp ăn tết theo truyền thống Việt Nam mà quan trọng hơn là giúp các sinh viên quốc tế hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Vì nhiều sinh viên quốc tế trước khi tham dự các hoạt động này chỉ nghĩ dịp Tết nguyên đán là Chinese New Year (tức là tết của riêng người Trung Quốc), nhưng sau đó họ mới biết cả Việt Nam và một số nước khác cũng ăn tết này và có những nét văn hóa đặc sắc riêng.

Trong hai cái tết xa nhà vừa qua, tham gia trong Ban chấp hành Hội SVVN tại Anh, chúng em đã phối hợp với Đại sứ quán và hội Việt kiều tổ chức Tết với không khí rất ấm cúng, tương tự ở Việt Nam. Hoạt động này hàng năm thu hút khoảng 300 người tham gia, chủ yếu là sinh viên. Vào dịp này, chúng em không chỉ được ăn những món ăn truyền thống ngày Tết ở Việt Nam mà còn được nghe đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước, nghe các bài hát quen thuộc vào dịp năm mới, với mùi hương trầm và không khí ấm cúng như ở gia đình.

Nói chung, đón Tết xa nhà tuy nhiều thiếu thốn, không thể bằng ở Việt Nam, nhưng điều này giúp sinh viên chúng em càng hướng về Tổ quốc hơn, gắn bó với nhau hơn và cũng như yêu thương gia đình nhiều hơn. Đúng thời khắc giao thừa theo giờ Việt Nam, các bạn du học sinh thường gọi điện về nước chúc tết ông bà cha mẹ. Đây sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên khi chúng em về nước."

Nao lòng nghe quan họ mỗi khi ăn tết xa nhà

 
 Đặng Tấn Đức - du học sinh Singapore

Đặng Tấn Đức sinh năm 1987, hiện đang học ngành Quản lý dự án và cơ sở hạ tầng tại Đại học Quốc gia Singapore và sẽ tốt nghiệp vào năm 2010. Đây là tết Nguyên đán thứ 5 Đức phải ăn tết xa nhà. Như tâm trạng của nhiều du học sinh khác, Đức tâm sự: “Là người con Việt Nam, ai cũng mong muốn chào đón thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa cùng với gia đình, người thân, bạn bè. Tuy nhiên khi hoàn cảnh không cho phép thì mình phải thích nghi. Dù vậy, hằng năm, hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Singapore đều tổ chức đón giao thừa cho các bạn du học sinh.

Thêm nữa, các du học sinh còn có dịp tham dự chương trình đón tết của Đại sứ quán, được thưởng thức những hương vị quê nhà, từ bánh chưng đến những bài quan họ. Lắng nghe những giai điệu đó nơi đất khách bỗng dưng thấy nôn nao, cảm xúc lạ thường! Đúng là càng đi xa, càng trân trọng và cảm thấy gắn bó với những điều giản dị như thế. Thời khắc giao thừa cũng là lúc tôi dành thời gian lắng đọng để nhìn lại một năm đã qua, đặt ra kì vọng cho bản thân mình, cũng như suy nghĩ về những mong muốn cho gia đình, đất nước trong năm sắp tới."

Khi được hỏi năm mới, Đức có mong muốn gì gửi gắm đến các nhà quản lý giáo dục - Đức cho biết: “Trong một hai năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc trao đổi giữa cơ quan Chính phủ với cộng đồng du học sinh. Hi vọng trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT cùng với các cơ quan ngọai giao sẽ tiếp tục phát triển cầu nối này. Rút ngắn khoảng cách, tăng cường sự hiểu biết, cảm thông sẽ tạo điều kiện để đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn, tránh những chính sách chỉ phản ánh mong muốn chủ quan, duy ý chí”.

Cuối cùng, Đức chia sẻ: “Thật tuyệt vời nếu càng đi xa chúng ta lại càng trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương đất nước. Đó là trải nghiệm của chính bản thân mình, mong muốn giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc cũng như thu nhập những điều tiến bộ của bạn bè quốc tế. Từ đó có thể gạn đục, khơi trong, giao lưu, tiếp thu những điều hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam và thế giới”./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực